Skip to content

Vị tiến sĩ và giấc mơ bảo tàng công nghệ thông tin tư nhân đầu tiên

Chủ nhật, 23/02/2020 bởi Lê Tiến Long

Ngay những ngày đầu năm mới Canh Tý, tiến sĩ Nguyễn Chí Công gần như không thể đi đâu được, khi suốt ngày đón tiếp các nhóm khách đến tham quan, chúc mừng bảo tàng công nghệ thông tin (CNTT) tư nhân đầu tiên ở nước ta, do ông vừa khánh thành ngay tại nhà mình.

40 năm và hơn 1 tháng

“Thế là tâm nguyện gần 40 năm của tôi đã hoàn thành” – vị tiến sĩ 72 tuổi thở phào hài lòng khi lau dọn mặt kính tủ trưng bày trong căn phòng mặt tiền căn nhà 4 tầng trong làng Đông Tác (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội).

Ngày mùng Ba Tết, sau khi đến chúc Tết người sếp cũ và tham quan bảo tàng, TS. Nguyễn Thành Nam – nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ FPT, hiện là Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX – đã viết lên Facebook cá nhân, ca ngợi: “Hàng nghìn các phần cứng, đĩa mềm, sách vở, bức ảnh đánh dấu những cột mốc của ngành CNTT Việt Nam trong bối cảnh phát triển của ngành CNTT thế giới, đã sống lại trong bảo tàng tư nhân đầu tiên về CNTT Việt Nam, mà anh Công vừa là giám đốc, vừa là nhân viên lưu trữ, vừa là hướng dẫn viên!”.

Ông Công nói, từ bé, ông đã có sở thích sưu tầm tem, tranh và cả sách cổ. Là con trai nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo – cháu ruột học giả Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha trong một gia đình Nho học ở làng Đông Tác, ông kể, hồi nhỏ, ông nhìn thấy trong nhà nhiều sách cổ lắm. Tuy nhiên, chiến tranh, loạn lạc khiến tài sản gia đình phân tán gần hết. Học trung học ở Hà Nội xong, ông được cử sang Tiệp Khắc (cộng hòa Czech ngày nay) du học, để rồi gắn bó với ngành CNTT đến bây giờ. Ngay từ thời về nước làm việc tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện CNTT thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), ông đã có thói quen lưu giữ những kỷ vật, tài liệu liên quan đến công việc. “Mỗi kỷ vật đều là minh chứng cho thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới, khoa học công nghệ được áp dụng vào đời sống, bỏ thì tiếc lắm”, ông than thở. Những năm 1980, căn phòng nhỏ của vợ chồng ông đã chật cứng linh kiện, thiết bị, nhưng đa phần đều còn sử dụng được, nên không bị vợ ông bắt… vứt.

Mãi đến khi gia đình ông xây được căn nhà 4 tầng trên mảnh đất cha mẹ để lại, ý định xây dựng một bảo tàng nhỏ để lưu giữ lịch sử về ngành CNTT Việt Nam mới được ông nhen nhóm trở lại. Để chuẩn bị, ông đã đi thăm rất nhiều bảo tàng lớn nhỏ, cả bảo tàng tư nhân và bảo tàng các ngành nghề. Lúc đó mới thấy, để mở được bảo tàng vướng rất nhiều thủ tục. Rất may, TS. Nguyễn Việt – Giám đốc Bảo tàng Tiền sử Đông Nam Á – đã tư vấn rằng, nhanh nhất thì có thể mở phòng trưng bày tư nhân. Thế là ông bắt tay vào việc.

“Cũng phải có đội ngũ cùng làm việc, có sự hỗ trợ của rất nhiều người, từ người giới thiệu đối tác thiết kế, thi công, đến lên phương án trưng bày…” – ông nhẩm tính. Nhưng vị chuyên gia từng chủ trì rất nhiều dự án CNTT lớn luôn biết cách tổ chức công việc khoa học nhất. Không cần gặp gỡ nhiều, ông liên tục “chỉ đạo”, cho ý kiến với các cộng sự, đối tác qua nhóm chat, email, hoặc điện thoại, trong khi tự mình kỳ cạch biên tập lại các thuyết minh, bài viết, nhiều hôm đến 2-3h sáng vẫn còn thấy trên mạng.

Khởi động từ cuối tháng 11.2019, phương án thiết kế, thi công của nhóm KTS vừa thực hiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam được ông chốt, với yêu cầu “một tháng phải xong”. Thế rồi, như một sự thần kỳ, đến giữa tháng 1.2020, căn phòng khách của gia đình ông đã “lột xác”, biến thành một phòng trưng bày, có tủ kính, TV lớn, pano thuyết trình… để vị tiến sĩ già cặm cụi xếp từng món đồ vào theo đúng ý đồ trưng bày của mình, chờ đón những người khách đầu tiên.

Liên tục thuyết trình trước các cán bộ, sinh viên một trường đại học về CNTT, TS. Nguyễn Chí Công – người từng giữ nhiệm vụ Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Tin học Việt Nam, Trưởng Tiểu ban mạng thuộc Chương trình quốc gia về CNTT – cho biết: “Tôi chỉ dành được căn phòng khách với diện tích 25m2 để làm bảo tàng, nên hiện nay mới trưng bày được khoảng 300 hiện vật, tiêu biểu cho cả lịch sử ngành CNTT thế giới và Việt Nam”.

Ngoài dân trong ngành, ít người biết rằng, ông Công là người đã tham gia nghiên cứu, chế tạo những chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam và của cả Châu Á từ năm 1977, tức là rất gần mốc sản xuất máy vi tính đầu tiên ở Pháp (1973) và ở Mỹ (1975). “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta nên tự tin là trình độ học tập và ý chí sáng tạo của người Việt không thua kém thế giới đâu”. Ông than thở: “Tiếc là các máy tính VT80, 81, 82, 83 do chúng tôi làm trong giai đoạn 1977-1984 ở Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển không còn giữ được. Các máy tính thời sau đó, ví dụ như Bamboo, hình như cũng vậy. Và dự án Bacto thì bị cháy hết cả máy và tài liệu, nên thế hệ sau không biết rõ về công trình của lớp kỹ sư CNTT người Việt đầu tiên”. Ông cũng cảm thấy tiếc rẻ khi chiếc máy tính Minsk-22 “to bằng cả căn phòng” được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (sau là Bộ Khoa học Công nghệ) sử dụng tại trụ sở 39 phố Trần Hưng Đạo ở Hà Nội và Odra-1304 tại khu hầm ở Liễu Giai sau khi “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” đã biến mất, đến nay vẫn chưa tìm ra được mảnh hiện vật nào.

Chỉ vào những tấm mạch in (printed circuit board) trong tủ trưng bày, ông hướng dẫn: “Đây chính là các mạch in của máy VT81 do chúng tôi thiết kế và chế tạo, nhiều chip do tôi gom góp rồi xách tay từ Pháp về, thậm chí một số phụ kiện anh em phải tìm mua ngoài chợ trời”.

Một số bảo tàng tư nhân, bảo tàng ngành nghề hiện chỉ bó gọn vào phạm vi hẹp của họ mà ít khi cho người xem hình dung ra bối cảnh chung của thời đại, của dân tộc. Trong quá trình phát triển CNTT, sự học hỏi, tiếp thu kiến thức, công nghệ của thế giới là rất nhiều, cho nên việc trưng bày không thể không giới thiệu về lịch sử ngành tính toán, tự động hóa, và khoa học máy tính. Từ quan điểm đó, ông xây dựng bảo tàng với hai lược đồ song song về CNTT thế giới và Việt Nam, trong đó phần thế giới được trình bày sơ lược nhưng bao quát tổng thể với các mốc thời gian quan trọng nhất, các nhân vật tiêu biểu nhất. Trong phần Việt Nam, bên cạnh các mốc thời gian và nhân vật tiêu biểu còn có các bảng, tủ trưng bày giới thiệu ba mảng chính là tác giả, tài liệu giáo dục đào tạo và sản phẩm – thiết bị từng được sử dụng, trong đó có cả phần cứng và phần mềm.

Ông từng viết “đa số dân công nghệ nói ít làm nhiều vì không có danh gì để loè người mà chỉ có thể phục vụ xã hội để sống hạnh phúc”. Cho nên nếu không kể ra, rất ít người biết về thành tựu của họ. Vì vậy, con cháu GS Tạ Quang Bửu đã rất vui khi biết rằng bảo tàng này vinh danh GS là người từ những năm 1960 đã có hướng đi và quyết sách có tính mở đường cho việc phát triển ngành Tin học ở Việt Nam.

Ông nói mình có may mắn từng được làm việc với một số nhân vật tiêu biểu cho các bộ phận lớn trong nền CNTT Việt Nam như KS Dương Quang Thiện, các GS Phan Đình Diệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Đình Ngọc… và dành những vị trí trang trọng trong bảo tàng để giới thiệu tóm tắt sự nghiệp của họ. Trên diện tích còn chật hẹp, ông chỉ mới trưng bày khoảng mươi cuốn sách tin học có “tuổi đời đáng kính”, được chọn từ mấy trăm ấn phẩm trong kho lưu trữ của bảo tàng. Ông giải thích, đây cũng là những minh chứng về sự theo dõi và nắm bắt thông tin rất sớm của người Việt.

Từ cuối thập niên 1960 đã có những cuốn giáo trình in bằng tiếng Việt đầu tiên về máy tính điện tử, về lập trình do GS Nguyễn Bá Hào và các đồng nghiệp biên soạn và giảng dạy trong khi bom Mỹ rơi ở miền Bắc. Hoặc ngay trong những năm 1980 bị Mỹ cấm vận, KS Dương Quang Thiện vẫn xuất bản những cuốn sách về việc ứng dụng hệ thống thông tin trong quản lý xí nghiệp. “Nhiều người Việt giỏi đã đau đáu việc ứng dụng công nghệ vào đời sống, sản xuất, tiếc là điều kiện nước ta thời ấy khó khăn, thiếu thốn quá” – ông tiếc rẻ.

Tự hào khối hiện vật đồ sộ

Riêng về kho lưu trữ, bảo tàng còn có đến gần 1.000 hiện vật do ông Công và bạn bè gom góp được mà nếu diện tích trưng bày có tăng thêm vài lần cũng không chứa hết. Ông kể: Khi sang Pháp năm 1978, ông từng được làm việc tại một cơ sở nghiên cứu ứng dụng tin học với những điều kiện vật chất tốt gấp hàng trăm lần so với trong nước. Tuy nhiên, vị thực tập sinh này không lùng mua hàng về bán lại để làm giàu mà chỉ gom góp rồi xách về một valy đầy tài liệu và linh kiện điện tử để góp phần vào việc chế tạo những chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam. Những lần sang Pháp sau đó ở thập kỷ 1980, ông cũng tìm mua những chiếc máy tính Macintosh đầu tiên của Apple, với màn hình lúc đó chỉ nhỏ 9 inch, để phục vụ chuyển hướng nghiên cứu ứng dụng. Nhờ đó, khi về hưu, ông sở hữu một bộ sưu tập đồ công nghệ với khá nhiều thiết bị, tài liệu, linh kiện điện tử chất đầy cả một gian nhà, để rồi khi bảo tàng hình thành đã có sẵn đa số hiện vật.

Chỉ vào chiếc máy tính MacPlus, ông thích thú nói: “Chiếc máy này do một du khách Mỹ ở Massachusetts sau khi đọc bài báo tiếng Anh do một nhà báo người Mỹ viết về việc tôi làm CNTT và sở hữu nhiều máy vi tính của Apple, đã xách tay sang tặng, chỉ kịp trao cho tôi, bắt tay rồi vội đi mà còn chưa kịp ghi lại tên”. Rất nhiều hiện vật khác cũng được các đồng nghiệp, người quen lẫn không quen đem đến trao tặng, khi biết ông có ý định làm bảo tàng.

Ông cho rằng, năm 2000 là thời điểm nước ta đã hoàn toàn mở cửa và hội nhập mạng toàn cầu Internet, sau đó, bước sang thế kỷ 21, sự phát triển của CNTT Việt Nam coi như được song hành cùng thế giới. “Mỗi dàn máy tính đồ hoạ cao cấp như Sun SPARCstation hay Apple PowerMac trong tủ kính kia, ngày xưa trị giá gần bằng cả chiếc ôtô đấy”, ông hào hứng nói tiếp. Nhiều chiếc máy phải đợi khi được các cơ quan thanh lý, ông mới có thể thu thập để mang về cất giữ. “Đây là chiếc scanner phẳng, đây là máy in màu, và những chiếc modem, router đầu tiên. Chiếc bàn phím IBM này nặng như một chiếc laptop bây giờ…” – T.S Công như bước vào quá khứ với những hiện vật thân thương của mình.

Dứt dòng suy nghĩ, ông khoe, sau khi bài giới thiệu về bảo tàng được đăng lên mạng xã hội, ông Michel Mouyssinat, nguyên hiệu trưởng IFI (trường Cao học CNTT của khối các nước Pháp ngữ), đã nhắn nhủ: “Tôi sẽ đăng ký một chuyến thăm Bảo tàng CNTT Việt Nam… Bất chấp những nỗ lực của tôi, nước Pháp vẫn chưa có bảo tàng dành riêng cho lịch sử tin học và kỹ thuật số”.

Ít khi nói về mình, nhưng như TS Nguyễn Thành Nam nói, ông Nguyễn Chí Công cũng chính là một nhân vật lịch sử tiêu biểu của ngành CNTT Việt Nam. “Anh tham gia sáng lập Viện CNTT, tiên phong chế tạo những máy vi tính và các phần mềm vi tính đầu tiên. Anh tham gia sáng lập FPT và Trung tâm hệ thống thông tin ở Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia. Anh đã đưa những phần mềm tiên tiến nhất lúc đó là SCO UNIX và hệ điều hành mạng LAN 10Net về FPT, anh viết chương trình truyền báo viễn ấn, rồi từng tham gia những công trình lớn của quốc phòng và được tặng giải thưởng Nhà nước…” – ông Nam nhắc lại.

Theo ông Công, trong thời gian tới, ông sẽ cùng đối tác thi công phương án trình chiếu online các hiện vật bằng công nghệ 3D, để giúp mọi người có thể “tham quan” bảo tàng trên mạng mà không cần phải đến tận nơi. “Dù không được nhìn trực tiếp hiện vật, nhưng tham quan online lại thấy được số lượng hiện vật nhiều hơn gấp bội” – vị tiến sĩ già vẫn thể hiện nhiệt huyết hiếm người có được. Ông chỉ băn khoăn, để cập nhật hết hiện vật lên mạng, nhất là các thông tin giới thiệu, phải có sự trợ giúp của các tình nguyện viên.

“Bảo tàng mở cửa với mọi người, nhưng tôi ưu tiên các cơ sở giáo dục và đào tạo đến tham quan. Chỉ cần các bạn liên hệ trước email: conotos@gmail.com, tôi sẵn sàng thuyết trình, hướng dẫn các bạn qua từng hiện vật” – vị giám đốc kiêm… nhân viên Bảo tàng CNTT đầu tiên của Việt Nam nói, với sự hăng hái như ở tuổi thanh niên.


Xem online : Nguồn: LĐCT 23/02/2020


NB Lê Tiên Long

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan