Thứ Hai 3, Tháng Hai 2020, bởi BTV
- Trái qua: Mẫn, Công, Thái, Đàm, Alain, Đức. Mùa đông 1978, Notre-Dame de Paris
Hồi đó (1977), công việc thường ngày của chúng tôi là đọc sách báo, nghiên cứu chuyên môn ở Viện hoặc ở Thư viện Khoa học trên phố Tràng Thi, mỗi tuần tổ chức 1-2 buổi chuyên đề để mọi người trình bày các vấn đề đang nghiên cứu, thỉnh thoảng có đi lao động XHCN, đắp bờ sông Tô Lịch, tập quân sự, tăng gia trồng khoai sắn, … nói chung là nhàn. Nhàn tới độ, được mấy anh bạn ở Viện các Khoa học về Trái đất rủ, tôi còn cùng tham gia đi khắp Hà Nội tìm mua đàn mua trống, tập tành, lập ban nhạc Thạch Anh của Viện Khoa học Việt Nam và biểu diễn trong các dịp lễ hội.
Năm 1978, anh Đặng Văn Đức, Trần Bá Thái và tôi đi thực tập theo học bổng của chính phủ Pháp. Hai anh tới Điện lực Pháp, còn tôi tới Viện Lập trình của Đại học Paris 7 với nhóm của GS Nivat. Thời đó qua phương tây là thật đặc biệt, chúng tôi phải vào Sài Gòn để lên chiếc máy bay khổng lồ Boeing 747 của hãng hàng không Pháp. Qúa cảnh Bangkok, trông cảnh tượng nhộn nhịp ở sân bay thật khác với Việt Nam. Tới Paris, thấy sân bay Charles De Gaulle quá vĩ đại. Trên xe buýt từ sân bay về thành phố thì không khỏi choáng ngợp bởi vô số xa lộ rộng lớn và đan xen. Lúc học ở Đông Đức, mỗi lần cửa hàng có chuối, dân chúng xếp hàng rồng rắn để mua, trong khi những quầy nhỏ ở ngõ hẻm Paris cũng có các khay bày chuối bán đầy có ngọn.
Một buổi sáng, khi mới tới Paris, anh Nguyễn Chí Công, người cùng Viện qua Pháp thực tập trước chúng tôi mấy tháng, ngồi nói chuyện về những thành tựu của vi tin học và ý nghĩa của nó đối với việc phát triển ứng dụng. Tuy được anh Diệu giao nhiệm vụ tìm hiểu về phần mềm vi tin học, nhưng tôi chưa thật sẵn sàng và cũng chưa có nhiều hiểu biết vì thời điểm đó trên thế giới kỹ thuật vi xử lý và vi tin học vẫn còn rất phôi thai. Nói chuyện với anh Công rồi gặp và chuyện trò với Alain Teissonnière (2), tôi được thuyết phục thêm và đã dành một khoản thời gian đáng kể để học và tiếp xúc với vi tin học.
Thời gian làm việc 9 tháng ở Pháp với tôi là vô cùng bổ ích. Lần đầu đến một nước phương tây, thấy quá nhiều thứ khác lạ, cần làm quen, cần học hỏi. Ngoài việc tham gia các chuyên đề về lý thuyết lập trình ở Đaị học Paris 6 + 7, tôi đã đến thư viện đọc sách rất nhiều, hàng tuần có mấy buổi tới phòng thí nghiệm tại Điện lực Pháp làm việc cùng các anh Công, Đức và Thái, học lập trình trên hệ phát triển vi xử lý. Alain là người bạn, người thầy tuyệt vời, vô cùng tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi cũng như tất cả các bạn Việt Nam qua Pháp thực tập. Các anh Nguyễn Văn Lư, Hà Dương Tuấn, Phan Huy Đường ở Paris cũng như các anh Đỗ Bá Phước, Nguyễn Hoàng ở California cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ công việc của chúng tôi rất nhiều. Tôi đã xác định khi về nước sẽ tập trung tham gia các hoạt động phát triển và ứng dụng vi tin học.
Thời gian ở Paris, qua giới thiệu của thân phụ, tôi có dịp trao đổi, giúp xây dựng một số dự án của Vietnam Fraternity với cha Nguyễn Đình Thi (3) để đưa yếu tố ứng dụng tin học vào những dự án đó ở Việt Nam, gặp gỡ vợ chồng ông bà Raymond Aubrac (4), những người bạn của chủ tịch Hồ Chí Minh, và được bà Aubrac ân cần chỉ dẫn trong việc học tiếng Pháp, đọc báo Pháp và làm quen với cuộc sống ở Pháp. Tôi cũng có dịp ở Nhà Đông Dương, khu ký túc xá của các trường đaị học Paris tại Porte d’Orlean thuộc quận 14, quen biết nhiều sinh viên gốc Việt đang lưu trú tại đó (đặc biệt có anh La Thành Long, con trai của dược sĩ tỷ phú, vua thuốc đỏ La Thành Nghệ, người nhỏ bé mà rất ham tập nunchaku món vũ khí lợi hại của võ sĩ Bruce Lee) và hiểu thêm về cộng đồng thanh niên Việt Nam tại Pháp.
Những năm cuối 1970 và 1980, Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển luôn là nơi hội tụ các sinh hoạt học thuật và công nghệ tin học mới mẻ, thu hút sự chú ý của giới chuyên môn trong cả nước. Các seminar khoa học của Viện cũng như các buổi thuyết trình của các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế (đặc biệt là từ Pháp) đến làm việc với Viện luôn có rất đông đồng nghiệp từ các trường đại học và các viện nghiên cứu tham dự. Trong bối cảnh Việt Nam còn bị cấm vận, các kỹ sư của Viện đã thiết kế chế tạo được những hệ thống vi xử lý, những máy vi tính đầu tiên ở Việt Nam (VT81, VT82, VT83) và tích cực đưa những hệ thống này vào ứng dụng trong điều khiển các quá trình công nghệ và quản lý. Trên hết, một đội ngũ chuyên môn có trình độ, năng lực và hăng say làm việc trong lĩnh vực vi tin học đã được hình thành. Tôi được phân công chịu trách nhiệm về phát triển phần mềm cho hệ máy vi tính của Viện.
Cho tới lúc này, những chiếc VT8x của Viện mới chỉ được cài đặt hệ điều hành CP/M (Control Program for Microcomputers của Digital Research) và chạy ngôn ngữ assembly. Để làm ứng dụng, nhất thiết phải có ngôn ngữ lập trình bậc cao. Chúng tôi quyết định chọn BASIC (Beginner’s All-purpose Symbolic Instruction Code, một ngôn ngữ lập trình bậc cao, đơn giản, dễ sử dụng của Dartmouth College). Ngôn ngữ chuẩn BASIC đã được chúng tôi sửa đổi lại cho thuận tiện và bổ xung một số lệnh xử lý tệp dữ liệu có chỉ số. Chúng tôi cũng quyết định viết trình thông dịch thay vì trình biên dịch, do máy vi tính VT8x còn yếu, dung lượng bộ nhớ rất nhỏ. Khác với trình biên dịch (compiler), dịch toàn bộ chương trình nguồn ra mã máy rồi thực hiện, trình thông dịch (interpreter) biên dịch chương trình nguồn theo từng phân đoạn rồi thực hiện đoạn mã đã được biên dịch.
Các anh Phạm Ngọc Khôi, Doãn Ngọc Liên, Giang Công Thế, chị Đỗ Việt Nga và tôi của phòng Lập trình đã thiết kế và viết trình thông dịch cho BASIC đặt tên là “BASIC Đồi thông”, làm tiền đề cho việc phát triển các ứng dụng trong quản lý. Trình thông dịch được viết hoàn toàn bằng ngôn ngữ assembly. Chúng tôi đã làm việc trong những điều kiện rất khó khăn, bất ổn, cả chục người dùng chung một máy tính nên phải viết và sửa chương trình trên giấy, đến lượt mình dùng máy mới nhập chương trình để thử, thêm nữa Hà Nội lại thường xuyên bị mất điện. Ai cũng quá bận rộn với gia đình, với những công việc không tên của thời bao cấp, nhưng tất cả các anh, chị trong nhóm đều là những chuyên gia lập trình thật giỏi và làm việc rất tận tâm.
Viện tìm kiếm sự hợp tác với Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử để sản xuất / lắp ráp máy vi tính và vì điều kiện làm việc tập trung ở Hà Nội khá khó khăn nên Viện quyết định đưa một nhóm vào Sài Gòn. Những năm 1981 và 1982, chúng tôi đã nhiều tháng liên tục ở Sài Gòn, hoàn thiện trình thông dịch BASIC và viết chương trình ứng dụng tại Xí nghiệp Máy may Sinco và Xí nghiệp Điện tử Olympic (Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử). Chúng tôi làm việc 14-15 tiếng một ngày, luân phiên 4-5 người sử dụng chung một chiếc máy tính suốt ngày đêm, ăn cơm tập thể và ngủ trên những chiếc giường sắt cá nhân. Các anh Công, Thái, Nguyễn Văn Tam, Nghiêm Mỹ, Trần Xuân Thuận, Khôi, Liên, Thế, chị Nga và tôi đã trải qua những ngày như thế, nghĩ lại thấy cũng khá phi thường. Sau này tôi rất ít gặp những gương lao động quên mình vì việc chung mà không được hưởng thêm một chút quyền lợi nào như vậy nữa.
Khi hoàn thành ứng dụng thử nghiệm quản lý vật tư ở Sinco, mô phỏng ứng dụng đang chạy trên máy IBM 360 của nhà máy, giám đốc Vương Hữu Trường đưa chúng tôi đi trình bày tại một cuộc họp của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Hôm đó các ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ và nhiều lãnh đạo khác đã hào hứng lắng nghe tôi thay mặt nhóm trình bày về ứng dụng của vi tin học. Ông Mai Chí Thọ nói vừa đi thăm Liên Xô về và cũng được họ giới thiệu về những ứng dụng tương tự. Kết thúc, chúng tôi được mời bữa trưa thịnh soạn với đặc sản bò bảy món. Anh Trường (lúc đó là đại biểu Quốc hội) là người năng động, quyết đoán và quan hệ rất rộng. Lúc đó phong trào quần vợt ở Sài Gòn đang nổi, tuy Sinco sản xuất máy may, nhưng anh lập riêng một phòng để nghiên cứu chế tạo bóng tennis và chiêu mộ đương kim vô địch quần vợt về làm nhân viên Sinco. Sau này có lần anh Trường ra họp ở Hà Nội, tôi đón anh tới thăm Viện bằng chiếc Peugeot 103, anh bảo Sinco thừa sức làm loại xe này.
Thời gian ở Sài Gòn, chúng tôi cũng có dịp gặp gỡ, giao lưu cùng các chuyên viên điện toán từ trước 1975 như anh Dương Quang Thiện ở XN Rượu bia, anh Nguyễn Văn Lục, anh Kim ở Sinco và một số giảng viên ở Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ và rất quý mến tính cách thẳng thắn, cởi mở của các anh.
Sau thời gian hợp tác với Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử nhưng không đạt được nhiều kết quả, chúng tôi trở về với việc triển khai ứng dụng tin học vào các hoạt động sản xuất, kinh tế và xã hội. Anh Diệu đã rất rõ ràng về vai trò của tin học là tạo ra càng nhiều càng tốt giá trị gia tăng thông qua các ứng dụng cụ thể. Anh Diệu đã đưa nhiều nhóm kỹ sư của Viện tới các bộ, các tổng công ty, các xí nghiệp để làm ứng dụng. Tôi đã cùng đi tới Sông Đà, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, bộ Ngoại thương, cảng Hải Phòng, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, …
Giữa những năm 1980 tôi phụ trách một nhóm làm ứng dụng tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Văn phòng thành lập một phòng tin học và trang bị một số máy tính PC. Chúng tôi thường xuyên tới làm việc tại Văn phòng ở đầu đường Hoàng Hoa Thám, vừa đào tạo chuyên viên của Văn phòng, vừa phân tích, thiết kế và phát triển ứng dụng đầu tiên cho Văn phòng để quản lý các văn bản pháp quy. Ứng dụng được viết bằng dBase III (một hệ quản trị cơ sở dữ liệu cho máy vi tính bao gồm cả chức năng tìm kiếm, lập biểu và ngôn ngữ lập trình) trên hệ điều hành DOS, với giao diện người sử dụng thân thiện cho việc nhập dữ liệu, tìm kiếm thông tin và kết xuất báo cáo. Sau hơn một năm, chúng tôi đã hoàn thành và chuyển giao được ứng dụng cho Văn phòng để sử dụng. Buổi liên hoan kết thúc dự án, chúng tôi được mời một bữa trưa, lãnh đạo Văn phòng nói chúng tôi đã thật vinh dự vì được phục vụ Văn phòng và trao tặng chúng tôi mỗi người một miếng vải trắng để may áo và một miếng vải kaki vàng để may quần. Cũng có cái hay là do ra vào Văn phòng nhiều nên sau này đi đâu mà cần xét duyệt của Văn phòng thì tôi có được chữ ký khá nhanh. Về ứng dụng trong quản lý, những chuyên gia của Viện có nhiều đóng góp thời gian đó là các anh Nguyễn Tuấn Hoa, Đặng Chu Quân, Nguyễn Mạnh Cường, Ngô Cao Sơn, Hoàng Xuân Hiếu và Nguyễn Thụy Chính.
Tới thời điểm giữa những năm 1980, Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển đã có những thành công đáng kể trong hợp tác chuyển giao công nghệ vi tin học, tuy nhiên việc phát triển ứng dụng chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Nhu cầu thực tiễn chưa có hoặc chưa cao, nhiều công việc được triển khai là dựa trên cung chứ không phải dựa trên cầu. Giá máy vi tính còn quá cao. Về công nghệ thì còn thiếu phương thức kết nối mạng để truyền tải thông tin, chưa có những cơ sở dữ liệu lớn và linh hoạt. Nhiều năm kế tiếp, tình trạng vẫn chưa thay đổi. Phải đợi tới thời kỳ sau đổi mới, kinh tế thị trường và các doanh nghiệp nhiều thành phần hình thành thì ứng dụng tin học, đặc biệt là trong quản lý và điều hành dịch vụ mới có cơ hội phát triển thật sự.
Năm 1986, được Viện cử đi tham dự hội nghị mạng lưới tin học châu Á do UNESCO tổ chức ở Jakarta, nghe tham luận của các đại biểu rồi đọc tham luận của mình và trao đổi mới thấy so với một số nước vùng Đông Nam châu Á, ở Việt Nam một số nghiên cứu phát triển đã được tiến hành khá sớm trong phòng thí nghiệm nhưng rốt cuộc về ứng dụng thì lại đi sau.
(còn nữa)
Vũ Duy Mẫn
(2) Alain Teissonnière (1936-2009), tổng thư ký Uỷ ban hợp tác khoa học và kỹ thuật của Pháp với Việt Nam (Comité pour la Coopération Scientifique et Technique avec le Vietnam), trong nhiều năm đã giữ vai trò quan trọng cho phong trào của giới khoa học và đại học Pháp ủng hộ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
(3) Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thi (1934-2010), Chủ tịch Hội Huynh Đệ Việt Nam tại Pháp.
(4) Raymond Aubrac (1914-2012) là một nhà lãnh đạo của phong trào kháng chiến Pháp trong thế chiến thứ hai. Năm 1946, khi đến Pháp để đàm phán, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở lại nhà của ông bà Aubrac mấy tháng, trở thành bạn của gia đình và cha đỡ đầu của người con thứ ba (cô Elizabeth) của ông bà. Đầu những năm 1970, khi Mỹ cố gắng đàm phán kết thúc chiến tranh, ông Aubrac đã đóng vai trò trung gian hòa giải giữa chính phủ Mỹ và Việt Nam. Ông cũng tham gia một nhóm trí thức hoạt động để chấm dứt chiến tranh Việt Nam.