Thứ Ba 5, Tháng Giêng 2010, bởi
Tại một hội nghị ở Paris vào mùa hè năm 2004, Apple giới thiệu mẫu cải tiến của chiếc máy tính iMac rất được ưa chuộng. Ngay từ lúc ra đời vào năm 1998, iMac đã rất đặc biệt bởi thiết kế độc đáo của nó, nhưng mẫu mới lại vô cùng nổi bật. Nó trông như một ti vi dẹt, một màn hình chữ nhật đóng khung trong một hộp nhựa trắng mỏng và đứng trên một chân đỡ nhôm. Tất cả các bộ phận của máy tính – các vi mạch, cáp dẫn, ổ nối – đều được dấu sau màn hình. Dòng chữ quảng cáo thông minh và hóm hỉnh đoán trước phản ứng của khách hàng tiềm năng: “Máy tính đã đi tới đâu ?”
Nhưng câu hỏi này là nhiều hơn một cách quảng cáo tinh khôn. Nó là sự thú nhận khôn khéo rằng ý tưởng lâu nay của chúng ta về máy tính đã lỗi thời. Trong khi đa số chúng ta vẫn tiếp tục lệ thuộc vào những chiếc máy tính cá nhân ở nhà và ở sở, chúng ta đang sử dụng chúng theo một cách thức rất khác so với trước đây. Thay vì dựa vào dữ liệu và phần mềm bên trong máy tính, lưu giữ trên những ổ đĩa cứng riêng, chúng ta ngày càng dựa nhiều hơn vào dữ liệu và phần mềm chảy tới qua mạng Internet công cộng. Những chiếc máy tính cá nhân của chúng ta đang trở thành các thiết bị đầu cuối, phát huy sức mạnh và tính hữu ích không phải từ những gì có bên trong chúng mà từ mạng lưới chúng kết nối tới – và, đặc biệt, từ những máy tính khác cũng kết nối tới mạng lưới này.
Sự thay đổi cách thức chúng ta sử dụng máy tính đã không xảy ra qua một đêm. Những hình thái sơ khai của tính toán tập trung hoá đã có từ một thời gian dài. Giữa nhưng năm 1980, nhiều chủ máy tính cá nhân đã mua các modem để nối máy tính của họ qua đường điện thoại tới các cơ sở dữ liệu trung tâm như CompuServe, Prodigy, và Well – thường được biết tới như những “bảng thông báo” (bulletin boards) – nơi họ trao đổi thông tin với các thành viên khác. America Online đã phổ thông hoá dạng cộng đồng trực tuyến này, phát triển mở rộng sự thu hút của nó với việc bổ xung đồ hoạ màu sắc cũng như các chat room (nơi tán gẫu), trò chơi, thông báo thời tiết, các bài báo và tạp chí, cùng nhiều dịch vụ khác. Thêm nữa, nhiều cơ sở dữ liệu đặc thù đã được thiết lập cho người sử dụng là các học giả, kỹ sư, thủ thư, nhà kế hoạch quân sự, và phân tích kinh doanh. Năm 1991, Tim Berners-Lee phát minh ra World Wide Web, ông đã đặt bệ cho việc thay thế tất cả các kho dữ liệu tư trực tuyến bằng một kho công cộng khổng lồ. Web đã làm phổ thông hoá mạng Internet, biến nó thành một cửa hàng toàn cầu để chia sẻ thông tin số. Và khi các trình duyệt dễ sử dụng như Netscape Navigator và Internet Explorer được cấp miễn phí vào giữa thập kỷ 1990, tất cả chúng ta đều đổ lên trực tuyến.
Tuy nhiên, trong thập kỷ đầu tồn tại, World Wide Web chỉ là một không gian khá buồn tẻ đối với hầu hết chúng ta. Chúng ta đã dùng nó chủ yếu như một mục lục khổng lồ, một sưu tập của các “trang” được gắn với nhau bằng các siêu liên kết. Chúng ta “đọc” Web, lướt các nội dung của nó theo cách không khác mấy cách chúng ta lật giở qua một đống tạp chí. Khi muốn làm việc thật sự, hoặc thực sự chơi một trò chơi, chúng ta đóng trình duyệt Web lại và chạy một trong những chương trình đã được cài đặt trong đĩa cứng của mình: Microsoft Word, hay Aldus Pagemaker, hay Encarta, hay Myst chẳng hạn.
Nhưng bên dưới bề mặt các trang Web là một tập hợp các công nghệ mạnh, bao gồm các thủ tục tinh vi để mô tả và truyền dữ liệu, chúng hứa hẹn không chỉ khuyếch đại ích lợi của Internet mà còn làm thay đổi chính quá trình tính toán. Những công nghệ này sẽ cho phép tất cả máy tính kết nối với Mạng để hoạt động thực sự mhư một máy xử lý thông tin đơn nhất, dễ dàng chia sẻ các bit dữ liệu và các xâu mã phần mềm. Một khi những công nghệ này được khai thác đầy đủ, bạn sẽ có thể sử dụng Internet không chỉ để xem các trang Web riêng lẻ mà còn để chạy các chương trình phần mềm phức hợp, đồng thời lấy thông tin từ nhiều trang và nhiều cơ sở dữ liệu. Bạn sẽ không chỉ có khả năng “đọc” từ Internet mà còn “viết” lên đó nữa – cũng giống như bạn vẫn luôn có thể đọc ra và viết vào đĩa cứng máy tính của bạn. World Wide Web sẽ trở thành chiếc Máy Tính Toàn Cầu (the World Wide Computer).
Chiều kích này của Internet đã được nhìn thấy ngay từ ban đầu, nhưng chỉ rất lờ mờ. Khi thực hiện một phép tìm kiếm dùng công cụ cũ như AltaVista, bạn chạy một phần mềm qua trình duyệt của bạn. Mã của phần mềm nằm chủ yếu ở máy tính chủ của AltaVista. Khi thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến, chuyển tiền giữa tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm, bạn cũng dùng một dịch vụ tiện ích, nó chạy trên máy tính của ngân hàng chứ không phải trên máy tính của bạn. Khi dùng trình duyệt để kiểm tra email với Yahoo hoặc Hotmail, hoặc kiểm tra việc chuyển kiện hàng với FedEx, bạn dùng một ứng dụng phức tạp chạy trên một máy tính phục vụ ở xa. Ngay khi dùng Amazon.com để đặt sách – hoặc để sau đó ghi phản hồi về cuốn sách trên trang Amazon – bạn đã khai thác tiềm năng ngầm ẩn của Internet.
Phần lớn, các dịch vụ tiện ích trước kia là sơ đẳng, bao gồm việc trao đổi một luợng nhỏ dữ liệu. Nguyên nhân là đơn giản: các dịch vụ phức tạp hơn, loại có thể thay thế phần mềm trên đĩa cứng của bạn, đòi hỏi khả năng truyền nhanh những khối lượng dữ liệu rất lớn, và đó là điều không thực tế với các liên kết bằng đường điện thoại truyền thống tốc độ chậm. Việc chạy những dịch vụ như vậy sẽ nhanh chóng làm quá tải đường điện thoại hoặc làm tràn modem. Máy tính cá nhân của bạn sẽ phải làm việc cật lực rồi dừng. Trước khi có thể phổ biến các dịch vụ phức hợp, một luợng lớn người sử dụng phải được trang bị kết nối băng rộng tốc độ cao. Điều này chỉ bắt đầu xảy ra vào cuối thập niên 1990 trong thời kỳ bùng nổ đầu tư với các công ty dotcom, khi các công ty điện thoại và cáp vội vàng thay thế hệ thống dây dẫn bằng đồng của họ với sợi quang – những bện sợi thủy tinh mỏng như tóc, tải thông tin dưới dạng các xung ánh sáng thay vì dòng điện – và cập nhật mạng lưới của họ để có thể xử lý những lượng dữ liệu gần như vô giới hạn.
Báo hiệu rõ ràng đầu tiên cho làn sóng thứ hai của Internet – cái được đặt tên là Web 2.0 – xuất hiện từ hư vô vào mùa hè năm 1999. Nó đến dưới dạng một chương trình phần mềm nhỏ, miễn phí gọi là Napster. Được viết trong vài tháng bởi một sinh viên bỏ học mười tám tuổi tên là Shawn Fanning, Napster cho phép người dùng chia sẻ với nhau các bản nhạc qua Internet theo một cách thức hoàn toàn mới mẻ. Nó quét đĩa cứng của bất kỳ ai đã cài đặt chương trình, và sau đó thiết lập, trên một máy tính phục vụ trung tâm do Fanning vận hành, một danh mục thông tin về tất cả các tệp bài hát tìm thấy, lập mục lục tên bài hát, ban nhạc chơi bài hát, đĩa chứa bài hát, và chất lượng âm thanh của chúng. Người dùng Napster tìm trên danh mục trung tâm này để kiếm bài hát họ muốn, rồi tải bài hát trực tiếp từ máy tính của người dùng khác. Nó dễ dàng, và, nếu bạn có kết nối băng rộng, nhanh. Trong vòng vài giờ, bạn có thể tải hàng trăm bài hát. Thật không thậm xưng để nói rằng, vào thời kỳ cao điểm của Napster, hầu như mọi tác phẩm âm nhạc thịnh hành từng được số hoá trên CD – và nhiều tác phẩm chưa hề xuất hiện trên CD – đều có thể được tìm và tải miễn phí qua dịch vụ này.
Napster, không ngạc nhiên, trở thành vô cùng nổi tiếng và được ưa thích, đặc biệt trong các khuôn viên đại học, nơi kết nối mạng băng rộng là phổ biến. Tới đầu năm 2001, theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Media Metrix, hơn 26 triệu người đã sử dụng dịch vụ Napster, và họ dùng hơn 100 triệu giờ một tháng để trao đổi các tệp nhạc. Phát minh của Shawn Fanning lần đầu tiên đã chỉ cho thế giới biết, Internet có thể cho phép nhiều máy tính hoạt động như một máy tính chung đơn nhất như thế nào. Hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người có thể truy nhập tới các nội dung tích hợp của các cơ sở dữ liệu mà trước kia là hoàn toàn riêng lẻ. Mặc dù từng người sử dụng vẫn phải cài đặt một chương trình phần mềm nhỏ trên máy tính cá nhân của họ, sức mạnh thật sự của Napster nằm chính ở mạng lưới – theo cách nó thiết lập ra một hệ thống quản lý tệp trung tâm và cách nó cho phép dữ liệu được truyền dễ dàng giữa các máy tính, kể cả khi chúng chạy ở hai nửa địa cầu khác nhau.
Chỉ có một vấn đề. Việc đó là bất hợp pháp. Phần rất lớn các bài hát được tải qua Napster là sở hữu của các nghệ sĩ và các công ty đĩa hát sản xuất ra chúng. Trao đổi các bài hát mà không được phép hoặc không trả tiền là phạm luật. Sự xuất hiện của Napster đã biến hàng triệu công dân, thường vẫn tôn trọng pháp luật, trở thành những người ăn cắp, tạo ra cuộc hôi của lớn nhất, hoặc tối thiểu là rộng rãi nhất, say sưa nhất trong lịch sử. Các nhạc sĩ và các công ty đĩa hát đã chống lại, đệ đơn kiện công ty của Fanning vi phạm bản quyền. Kết quả là dịch vụ này đã phải đóng cửa vào mùa hè 2001, chỉ hai năm sau khi nó ra đời.
Napster chết, nhưng việc kinh doanh cung cấp các dịch vụ tính toán qua mạng Internet đã bùng nổ từ đó. Nhiều người trong chúng ta nay đã dành nhiều thời gian hơn để dùng các dịch vụ Web mới, so với để chạy các phần mềm ứng dụng truyền thống từ đĩa cứng máy tính của mình. Chúng ta dựa vào lưới tiện ích mới để kết nối với bạn bè trong các mạng xã hội như MySpace và Facebook, để làm các sưu tập ảnh trên các trang như Flickr và Photobucket, để tạo những cái tôi trong các thế giới ảo như World of Warcraft (Thế giới của Tàu chiến) và Disney’s Club Penguin (Câu lạc bộ Chim cánh cụt của Disney), để xem video qua các dịch vụ như YouTube và Joost, để viết blog với WordPress hoặc viết sổ ghi nhớ với Google Docs, để theo dõi tin thời sự qua các hệ giúp đọc như Rojo và Bloglines, và để lưu trữ các tệp của chúng ta trên các ổ đĩa cứng ảo như Omnidrive và Box.
Tất cả những dịch vụ này đều ám chỉ tới tiềm năng cách mạng của tiện ích thông tin. Trong những năm kế tiếp, càng ngày càng nhiều các công việc xử lý thông tin mà chúng ta cần đến, ở nhà và ở sở, sẽ được thực hiện bởi các trung tâm dữ liệu lớn thiết đặt ở xa trên Internet. Bản chất hiệu quả kinh tế của tính toán sẽ thay đổi sâu sắc giống như bản chất của hiệu quả kinh tế của năng lượng cơ học đã thay đổi trong những năm đầu của thiên niên kỷ trước. Những hệ quả xã hội – cho cách chúng ta sống, làm việc, học tập, giao tiếp, giải trí, và ngay cả suy nghĩ – cũng hứa hẹn sẽ sâu sắc như vậy. Nếu máy phát điện đã là chiếc máy tạo thời trang cho xã hội thế kỷ hai mươi – cái làm chúng ta như chúng ta hôm nay – thì “máy phát” thông tin là chiếc máy tạo thời trang cho xã hội mới của thế kỷ hai mươi mốt.
Trích từ “Bánh xe của Burden“, trong “Chuyển Đổi Lớn” của Nicholas Carr
Chuyển ngữ: Vũ Duy Mẫn