Skip to content

Chuyến thăm cuối cùng của Alain

Ngày 5 Tháng 4 Năm 2020, bởi Nguyễn Chí Công

Cuối tháng Tư này chúng tôi sẽ thắp nhang tưởng niệm lần thứ 11 ngày về cõi vĩnh hằng của Alain Teissonnière – ông thầy công nghệ thông tin người Pháp đầu tiên đến Hà Nội vào năm 1976 và Tổng thư ký tổ chức CCSTV (Ủy ban vì sự Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam) từ 1979 đến 2008.

Alain Teissonnière, NCCông, Nicole Simon. Archives NCCong ©1978 Bretagne

Mùa đông năm 2007 tôi may mắn mời được ông Alain Teissonnière sang thăm vài thành phố Trung Quốc và về sống tại gia đình tôi cho đến hết Tết Mậu Tý. Trước hết thầy khen ngôi nhà mới lên tầng của tôi đã có nhiều tiện nghi cần thiết và tăng gấp đôi diện tích, đủ để cho con cháu sinh hoạt và có một phòng riêng cho khách. Thăm hỏi chuyện của nhà tôi xong, thầy cho biết đã bán ngôi nhà vườn ở bên ngoài thành phố Paris để thêm tiền dành cho du lịch, xem opera và sống nốt đời hưu trí. Thầy bảo nay đã 71 tuổi, không có vợ con, cha mẹ già không còn, ở rộng một thân trống vắng dễ buồn lắm.

Thầy tặng tôi mấy cuốn sách mới in, nhân tiện lướt xem bìa và hỏi về nội dung của những tác phẩm vừa xuất bản tại Việt Nam đang có trong nhà tôi. Thầy nói rằng về hình thức trình bày và in ấn thì giữa chúng không còn có khoảng cách nào đáng kể. Thầy không nhắc gì đến công lao của mình đã móc nối các giáo sư Ecole Estienne Paris (Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Công nghiệp Đồ hoạ Paris) giúp đỡ chúng tôi thực hiện các lớp ngắn ngày ở Trung tâm đào tạo tin học CFTI Hà Nội trong thập niên 1990 mà nhờ đó có nhiều học viên đồ hoạ máy tính và chế bản điện tử về sau rất thành đạt.

NCCông, Hen ri, Alain. Archives NCCong ©1995 Chùa Láng

Nhân dịp Tết, tôi dẫn thầy đến gặp một số người quen cũ ở Viện CNTT và các cơ quan khác. Thầy rất vui vì cuộc sống riêng của họ đã no đủ hơn thầy. Đây là những anh em còn liên lạc được trong số hàng trăm người xưa kia ít nhiều đã được thầy và giáo sư công huân Henri Van Regemorter, Chủ tịch CCSTV, tìm cho nơi nhận thực tập hoặc làm luận án ở Pháp. Thầy đã giúp đỡ hết mực tận tình trong khi chúng tôi xa quê, kể cả TS Hồ Đức Việt sang nghiên cứu toán trước khi được gọi về nước để chuyển sang ngạch chính trị.

Lâu lắm rồi mới có dịp, các cuộc trò chuyện thường kéo dài và trong đó chúng tôi đã nhớ lại những lần cùng nhau làm việc tại các cơ quan dân sự của Pháp và Việt Nam theo một thoả thuận hợp tác song phương được ký bởi lãnh đạo hai bên sau 1975, mặc dù nước ta đang bị đa số quốc gia phương Tây cấm vận.

Alain Teissonnière và mấy trò cũ ở Phòng Kỹ thuật số. Archives NCCong ©2007

Thời ấy chúng tôi thường phải mất gần một năm kiên trì trao đổi thư từ chỉ để sắp xếp được một đợt công tác dù ngắn ngủi hay dài hạn. So sánh ngày tháng ghi trong các bức thư và in trên tem dán ngoài phong bì sẽ thấy ngay rằng nếu đạp xe đạp ta có thể đi và về giữa hai thủ đô còn nhanh hơn bưu điện. Vậy mà chuẩn bị chuyến đi của thầy lần này, hai bên chỉ cần gửi vài e-mail trong vòng ba tuần lễ là đủ để cho suôn sẻ mọi thủ tục lớn nhỏ, từ thị thực đến vé máy bay.

Thầy vẫn nhớ các nhà khoa học nước ngoài phải di chuyển bằng xe của cơ quan tôi vì Hà Nội chưa có taxi và họ thường tạm trú ở khách sạn Hoàn Kiếm gần trung tâm để sinh hoạt ăn uống và giải trí ngoài giờ làm việc được thuận tiện. Dân quanh đó dĩ nhiên được ưu tiên hơn dân ngoại thành nhưng hầu hết cũng gầy gò, ai có xe máy được coi là giàu. Bây giờ thì họ có đầy ô tô và ô nhiễm trở thành mối nguy hàng ngày.

Thanh, Alain, NCCông. Archives NCCong ©1983 Bút Tháp

Tôi trả lời thầy rằng đời sống đô thị cực kỳ khó khăn vào cái thời “bao cấp” ấy, các nhu yếu phẩm như gạo, thịt, thuốc lá, vải, xà phòng,… chỉ được cung cấp theo tem phiếu với định lượng tối thiểu. Từ 1976 đến 1986 tại miền Bắc, cả nông nghiệp, thương nghiệp đều do các hợp tác xã và nhà nước nắm giữ. Người nghèo không tem phiếu nếu rời khỏi gia đình có thể bị chết đói, chết rét. Tôi nhắc đến chuyến tôi cùng vợ đưa thầy về quê ngoại để thăm những ngôi chùa cổ tuyệt đẹp của xứ Kinh Bắc đang xập xệ mà không có tiền sửa chữa và làng xóm thì xác xơ chỉ còn nghe thấy những tiếng cười vô tư của trẻ em.

Thầy kể lại lần từ Paris phải vòng vèo qua nước Nga và sau một ngày mệt rũ mới đến được sân bay Hà Nội vẫn còn đầy hố bom. Thầy ngạc nhiên vô cùng vì chính trong tháng cuối cùng của cái năm 1976 đáng nhớ ấy, những chàng trai và cô gái Việt đã nhanh chóng nắm bắt được thứ công nghệ tiên tiến nhất để làm ra chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam ngay trước thềm Tết Đinh Tỵ 1977. Những kỷ niệm về một thời đói rét nhưng đáng nhớ như vậy thì phải hàng nghìn trang nữa mới có thể ghi hết, bởi vì trong lứa thanh xuân đó không chỉ có chúng tôi mà còn biết bao người khác.

Thầy Alain đã mất vì ung thư vào năm 2009 trong những ngày tháng Tư giao mùa này. Nay lớp chúng tôi cũng sắp đi theo thầy nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các thế hệ tiếp nối sẽ làm được những kỳ tích lớn hơn thế bởi vì ngoài truyền thống dũng cảm của cha anh để lại cho lớp con cháu còn có những công cụ và tri thức của thời đại mới. Mà bên cạnh việc làm chủ cái mới, nếu muốn kịp thời nắm lấy những cơ hội sẽ xuất hiện thì trước hết cần rút ra các kinh nghiệm sâu sắc từ những bước đã đi qua trên con đường tiến bộ của CNTT.

Bảo tàng CNTT tại Hà Nội chính là một trong những nơi có thể cung cấp nhanh nhất những hiện vật và bằng chứng lịch sử xác thực cho việc đó.


Bài và ảnh: NCCong

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan