Skip to content

Chính sách phát triển nền kinh tế số của Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam

Trong thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số đã và đang trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Đặc biệt, trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với tác động của dịch Covid-19 làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, học tập, làm việc, kinh doanh buôn bán thì càng đòi hỏi các nước đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nền kinh tế số. Bài viết đi sâu phân tích chính sách và thực trạng triển khai chính sách phát triển nền kinh tế số của Pháp, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn đã và đang tác động tiến trình số hóa nền kinh tế từ đó đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam.

Kinh tế số là xu thế tất yếu trong tương lai vì thế hầu hết quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển đều rất coi trọng và đưa ra các mục tiêu riêng. Với Việt Nam, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phấn đấu để Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số hơn 96 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế, tuy nhiên chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, trung bình 1 ngày người Việt dành 6h47phút sử dụng internet trên các thiết bị.

Qua nghiên cứu những chính sách phát triển kinh tế số của Pháp nổi lên một số giá trị tham khảo đối với Việt Nam để tận dụng được những thuận lợi và khắc phục hạn chế để phát triển nền kinh tế số trong tương lai, cụ thể:

  • Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng số, với nguồn lực tài chính công còn hạn chế, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể để thúc đẩy thu hút nhiều hơn nữa lĩnh vực tư nhân vào đầu tư cho phát triển hạ tầng số, đảm bảo bao phủ sóng trên tất cả các vùng miền, tạo sự công bằng về cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho người dân trong cả nước, đảm bảo 100% hộ gia đình được kết nối internet tốc độ cao… Nhà nước cũng cần xác định những ngành, lĩnh vực đột phá giúp đẩy nhanh mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng như thông tin số, liên lạc số, giải trí số, thương mại điện tử… để có giải pháp, chính sách hợp lý trong đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển nền kinh tế số.
  • Thứ hai, nguồn nhân lực, đây là nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số. Việt Nam đang thiết hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông, nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển của kinh tế số. Chính vì thế nhà nước cần có những chính sách thu hút các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, trang bị cho người dân kỹ năng số cơ bản thông qua việc: chuẩn hóa giáo dục khung kỹ năng số, đưa kiến thức, kỹ năng số vào hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thúc đẩy giảng dạy qua môi trường số, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo trong giáo dục phổ thông, thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
  • Thứ ba, tuyên truyền phổ biến cho người dân, doanh nghiệp nhận thức rõ hơn giá trị, cơ hội của công nghệ thông tin đem lại cho phát triển kinh tế của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước. Tuyên truyền, hướng dẫn giới trẻ sử dụng internet hiệu quả, biết tận dụng, khai thác kho kiến thức khổng lồ này trong việc học tập, kinh doanh, phát triển bản thân, tránh lãng phí quá nhiều thời gian vào những hoạt động không cần thiết. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố cuối tháng 5/2019 cho thấy có tới 85% doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài nền kinh tế số, và chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu. Nhận thức về kinh tế số, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số còn chậm chạp, chưa đồng đều, thống nhất từ trên xuống dưới, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân là một hạn chế góp phần làm chậm xu hướng số hóa nền kinh tế Việt Nam.
  • Thứ tư, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi sang kinh tế số, thành lập các website chính thức của chính phủ để thông tin, hỗ trợ hỏi đáp, tiếp cận nguồn vốn, nhận tư vấn từ các chuyên gia giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn thông tin tin cậy, có định hướng tốt giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, loay hoay trong quá trình chuyển đổi số.
  • Thứ năm, việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet luôn chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong 3 năm gần đây. Theo BKAV, năm 2020, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã đạt kỷ lục mới, vượt mốc 1 tỷ USD (23,9 nghìn tỷ đồng). Theo nghiên cứu, thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về các vụ tấn công lừa đảo với 673.743 cuộc tấn công được ghi nhận năm 2020. Điều này cho thấy, có một lỗ hổng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Nếu không bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin sẽ cản trở mục tiêu đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách sớm giải quyết mặt trái phát sinh trong phát triển kinh tế số; xác định rõ những ngành nghề sẽ bị “khai tử”, những ngành nghề mới xuất hiện, những lao động sẽ bị thay thế bằng robot, trí tuệ nhân tạo; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian số; an ninh mạng, an ninh thông tin; các mâu thuẫn, xung đột giữa các loại hình, cơ chế kinh doanh truyền thống với những loại hình, cơ chế kinh doanh mới xuất hiện… để có những giải pháp, chính sách phù hợp.

(Trích: Ths. Chử Thị Nhuần – Viện Nghiên cứu châu Âu, Đỗ Thị Thu Hương – Đại học Luật Hà Nội)


VQ 2/8/2022

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan