BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Vĩnh biệt một người bạn Pháp

Chủ Nhật 26, Tháng Tư 2009bởi BTV

A.Teissonnière và H. Van Regemorter. Photo NCCong ©1982

Sáng hôm qua nhận được e-mail từ Paris cho biết ngày 20.4.2009 [1] Alain Teissonnière – một trong những người sáng lập CCSTV (Ủy ban Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam), nguyên Tổng Thư ký của CCSTV, giải thưởng năm 2005 của Liên đoàn Thực chứng Pháp (Prix de l’Union Rationaliste) và Huy chương Hữu nghị của CHXHCN Việt Nam – đã qua đời.

Đọc cáo phó của Ủy ban vì Hợp tác Khoa học Kỹ thuật với Việt Nam.

Nous avons la grande tristesse de vous annoncer que notre ami Alain Teissonnière, l’un des fondateurs du CCSTVN et son secrétaire pendant de nombreuses années, est décédé le 19 avril 2009.

Rendez-vous pour lui rendre un dernier hommage au Grand Funérarium du cimetière du Père Lachaise : Vendredi 24 avril 2009 à 11h20.

Selon ses voeux, il sera incinéré, ni fleurs ni couronnes.


tôi ngậm ngùi tiếc thương ông, và không thể không viết đôi dòng để tưởng nhớ ông, tưởng nhớ một người bạn đã hết lòng tận tụy với ngành tin học của Việt Nam.

Năm 1977, tốt nghiệp về nước, tôi chọn làm việc tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, bởi ấn tượng với cái tên cùng hoạt động của Viện và bởi ấn tượng với người đứng đầu Viện, Giáo sư Phan Đình Diệu. Những năm đó, Viện luôn là nơi hội tụ các sinh hoạt học thuật và công nghệ tin học mới mẻ nhất, thu hút sự chú ý của giới chuyên môn trong cả nước. Một phần quan trọng của những sinh hoạt đó là các buổi thuyết trình của các chuyên gia nước ngoài. Ngay những ngày đầu mới về Viện, tôi đã gặp ông Alain qua giảng chuyên đề đầu tiên về kỹ thuật vi xử lý ở Hà Nội trong chương trình chuyển giao công nghệ vào Việt Nam. Lúc đó tôi không tham dự chuyên đề của ông bởi đang làm những đề tài khá thuần túy lý thuyết.

Năm 1978, anh Đặng Văn Đức, Trần Bá Thái và tôi đi thực tập theo học bổng của chính phủ Pháp. Hai anh tới Điện lực Pháp (EDF) làm việc cùng anh Nguyễn Chí Công, còn tôi tới làm việc tại Viện Lập trình của Đại học Paris 7. Một buổi sáng, khi mới đặt chân tới Paris, anh Nguyễn Chí Công ngồi nói chuyện với tôi. Gọi là nói chuyện, nhưng chủ yếu, anh Công thuyết phục tôi về những thành tựu của vi tin học và ý nghĩa của nó đối với việc phát triển ứng dụng tin học ở nước nhà. Phải nói, tôi ít thấy ai hiểu biết, nói say mê và thuyết phục như anh Công. Tuy đã được anh Diệu giao nhiệm vụ đi tìm hiểu về phần mềm vi tin học, nhưng tôi vẫn chưa thật sự sẵn sàng. Buổi nói chuyện với anh Công đã truyền cảm hứng, và tôi biết mình bắt đầu có biến chuyển trong định hướng chuyên môn. Sau đó, gặp và chuyện trò thêm với Alain, tôi càng được thuyết phục và đã dành một khoản thời gian đáng kể để học và tiếp xúc với vi tin học trong chín tháng ở Pháp cùng các anh Đức và Thái.

Ở Paris, chúng tôi thường xuyên gặp Alain. Ông đóng vai tư vấn, giúp chúng tôi đủ thứ, từ chuyện tìm chỗ ở, liên hệ với nơi thực tập, tới công việc chuyên môn. Thỉnh thoảng cuối tuần, ông dành thời gian đi thăm các nơi cùng chúng tôi, hoặc rủ chúng tôi tới chỗ ông chơi, chuyện trò, có bữa, ông còn nấu được món phở để cùng nhau nhớ tới ẩm thực Hà Nội. Ông là người làm việc không biết mệt mỏi, thường không nghỉ mà chỉ chuyển từ làm việc này sang làm việc khác. Thời gian ông dành để đi chơi hay chuyện trò với chúng tôi cũng là thời gian ông làm việc, bởi ông thường trao đổi về công việc hoặc giúp chúng tôi hiểu biết thêm một thứ gì đó trong những lúc như vậy. Ông là con người khúc triết, không bao giờ nói thừa chữ, thừa câu, và chỉ nói những gì cần nói. Ông luôn đòi hỏi và trông chờ thái độ làm việc nghiêm túc ở mọi người. Khi mới quen, có thể cho ông là khó tính, khô khan, nhưng thật ra ông lại là người rất tình cảm với một trái tim thật bao la. Có thời gian dài, mỗi tuần ông chỉ lao động 3 ngày cho mình, còn lại 4 ngày dành cho Việt Nam. Trong cương vị Tổng thư ký, ông đã làm cầu nối rất hiệu quả đưa người Việt Nam qua Pháp học tập, làm việc và đưa các chuyên gia Pháp sang giúp Việt Nam, trực tiếp góp ý kiến với các nhà lãnh đạo về chính sách và giúp triển khai nhiều đề tài khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Ông tự chuẩn bị giáo trình, bỏ ra hàng tháng không có lương để sang Việt Nam giảng bài và làm việc, gom góp tiền túi mua những vật tư và tài liệu, tự tìm kiếm quyên góp sách, thiết bị rồi đóng gói chuyển tới Việt Nam.

Ông sống rất đạm bạc, ăn mặc giản dị, nhiều hôm thấy ông mặc áo sơ mi đã sờn cổ tay, tuy nhiên lúc nào cũng chỉnh tề nghiêm túc.

Sức đọc của ông thật ghê gớm, giống như nhiều người phương tây, ông đọc rất nhiều, có phương pháp ghi chép lưu trữ rất khoa học nên lúc nào cũng sẵn sàng có những thông tin cần thiết cho công việc. Ở Paris tôi đã bắt đầu tìm hiểu vi tin học qua tập giáo trình nhập môn kỹ thuật vi xử lý do ông soạn để giảng ở Việt Nam, và thấy đây là một giáo trình tuyệt vời, biên soạn rất công phu, rất dễ hiểu.

Ông khiêm tốn, không bao giờ nhận mình hơn mọi người, luôn động viên, đề cao thành tích của người khác.

Năm 1986, anh Nguyễn Chí Công và tôi có dịp trở lại Pháp thăm một số cơ sở nghiên cứu phát triển và ứng dụng tin học, Alain đã “tháp tùng” chúng tôi đi nhiều nơi ở Paris, Grenoble, Lyon, Rennes, … ông chủ động sắp xếp kế hoạch, lựa chọn những nơi chúng tôi nên đi, góp ý những thứ nên quan tâm, và dành thời gian trao đổi về những thu nhận sau mỗi chuyến thăm, … Cũng trong thời gian này, ông đã dành nhiều công sức giúp Viện Khoa học Việt Nam thuyết trình nhận dự án của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc để xây dựng Trung tâm Huấn luyện và Ứng dụng Tin học.

Ông là người thực tế, đôi khi quá thực tế, với ông, lý thuyết là mầu xám, chỉ có cây đời mới xanh tươi. Trong hợp tác, ông luôn muốn nhìn thấy sản phẩm cụ thể, có thể dùng được ở Việt Nam. Hình như chỉ có một ngoại lệ, ông và các bạn Pháp của ông rất tôn trọng và ngưỡng mộ người bạn, nhà toán học và tin học lý thuyết Phan Đình Diệu.

Chúng tôi đã làm được một số việc, đã thiết kế chế tạo được những hệ thống vi xử lý, những máy vi tính đầu tiên ở Việt Nam từ cuối những năm 1970 đầu những năm 1980, đã thử nghiệm đưa những hệ thống này đi ứng dụng trong điều khiển các quá trình công nghệ và quản lý các xí nghiệp nhỏ và vừa. Trên hết, một đội ngũ chuyên môn có trình độ, năng lực và hăng say làm việc trong lĩnh vực vi tin học đã được hình thành. Tất cả những thành tựu đó, đều có công lao của Alain Teissonnière.

Khi mới sang làm việc ở New York, có lần nói chuyện điện thoại với Alain, sau các thăm hỏi, ông hỏi công việc của tôi ra sao. Thú thực, khoảnh khắc đó tôi hơi ngượng: trước một bạn Pháp tận tụy với Việt Nam, tôi nói gì khi lại rời Việt Nam? Tôi kể về công việc đang làm ở Liên Hiệp Quốc, và về những công việc tôi vẫn tiếp tục làm với các đồng nghiệp ở Việt Nam. Ông động viên, bảo tôi đi là đúng, làm việc cho Liên Hiệp Quốc, cũng là làm việc cho Việt Nam, lại có điều kiện làm việc tốt hơn và vẫn hợp tác được với trong nước. Cám ơn sự cảm thông rất riêng tư của ông.

Vĩnh biệt Alain Teissonnière. Ông không muốn nhận hoa trong tang lễ của ông. Nhưng xin ông nhận lòng biết ơn của chúng tôi, những người bạn mà một thời ông đã hết lòng cùng họ xây dựng nền tin học non trẻ của Việt Nam.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước mộ ông ở quê hương Colognac (Les Cévennes).

Vũ Duy Mẫn
New York, 24.04.2009

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan