BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Vài kỷ niệm về những ngày làm tin học (I)

Thứ Ba 21, Tháng Giêng 2020bởi BTV

Hưởng ứng ngày khai trương Bảo tàng Công nghệ Thông tin Việt Nam của anh Nguyễn Chí Công, tôi ghi lại một vài kỷ niệm về những ngày hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin của mình.

Anh Công và tôi có nhiều kỷ niệm cùng nhau trong rất nhiều năm. Năm 1977 ngày mới về Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (1), chúng tôi hay chơi bóng bàn cùng nhau; năm 1978 anh Công đi thực tập ở Pháp trước tôi mấy tháng nên thường gặp nhau ở Paris, rồi dịp Noel 1978 cùng nhau đi tàu hỏa từ Paris sang Đông Berlin chơi. Noel 1979 anh Công làm phù rể trong đám cưới của tôi. Chúng tôi đã cùng nhau đi tới rất nhiều cơ sở để tìm hiểu công việc và để làm ứng dụng tin học, đặc biệt là có thời gian dài cùng nhau đi làm ứng dụng tại Xí nghiệp máy may Sinco và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1986 hai chúng tôi đi thăm nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo tin học tại Paris, Lyon, Nice, Rennes, Grenoble trong 2 tháng do Bộ Ngoại giao và UB Hợp tác Khoa học của Pháp với VN tổ chức. Năm 2001, sau sự kiện 11/9 ít tuần tôi lại có dịp đón anh Công ghé chơi New York. Và từ đó đến nay, có dịp chúng tôi vẫn gặp gỡ chuyện trò, cafe hoặc liên hoan cùng bạn bè, đồng nghiệp.

Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển

Hè 1977, sau khi bảo vệ luận án tốt nghiệp nghiên cứu sinh và sắp tròn 26 tuổi, tôi về nước trên chuyến tàu liên vận từ Bá Linh, qua Vác Sa Va, Mạc Tư Khoa, Ulanbator và Bắc Kinh. Đó là một trong những chuyến tàu liên vận cuối cùng cho các lưu học sinh Việt Nam đi xuyên Siberia từ Á sang Âu. Đi du học trong những ngày chiến tranh đang diễn ra rất khốc liệt trên quê hương nên chúng tôi đều cảm thấy trách nhiệm nặng nề của mình, nôn nóng được trở về, được đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước, nhưng thật sự chưa biết sẽ bắt đầu ra sao. Chuyến hồi hương với anh Đỗ Minh Thái (người cùng học 9 năm, cùng thầy và cùng tốt nghiệp với tôi) kéo dài hơn hai tuần nhưng chúng tôi không thấy lâu mà lại vui. Dừng chân ở Mạc Tư Khoa tôi đi chơi nhiều nơi với bạn học phổ thông Đào Văn Trà đang nghiên cứu toán ở MGU và cậu em họ từ Kiev tới. Liên Xô đang thời kỳ khó khăn, có hôm cả nhóm đi mấy cửa hàng mà vẫn không tìm được thịt, ba tê hay xúc xích, và mới xẩm tối mà đã thấy người say rượu nằm vạ vật bên đường. Qua Trung Quốc, người Việt Nam không còn được tiếp đón niềm nở như những năm trước. Trên tàu, chúng tôi là những người cuối cùng được gọi đi ăn, tại cửa hàng giao tế ở Bắc Kinh, người ta rất lạnh nhạt với khách Việt Nam.

Về Hà Nội ít ngày, gặp anh Nguyễn Lãm, anh khuyên tôi về làm việc tại Trung tâm Máy tính quân đội. Anh Nguyễn Hồng Bàng gặp và mời tôi tới thăm Phân viện Tên lửa thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự. Chút nữa là tôi đã về làm chỗ anh Bàng nếu như không gặp cậu lính gác khó tính và cái cảm giác gò bó, nặng nề trong buổi tới thăm viện. Được giới thiệu, tôi tới thăm Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, thấy thích những hoạt động của Viện và ấn tượng với người đứng đầu Viện, GS Phan Đình Diệu, nên quyết định về làm việc tại đây. Anh Diệu phân tôi về phòng Lập trình của anh Hồ Thuần. Những ngày đầu, quen nếp đúng giờ từ Đức, tôi đi làm rất sớm, có hôm còn đủ thời gian ngồi ở tượng đài Lý Tự Trọng ngắm người qua lại trên đường Thanh Niên, rồi mới đến Viện mà vẫn còn phải chờ khá lâu các đồng nghiệp mới dần tới dự seminar. Hồi đó, an ninh chưa tốt, Viện lại có tài sản lớn là chiếc máy tính Odra-1304 của Ba Lan, nên mỗi tối hai người được phân công đến trực và ngủ tại Viện. Một tối đi trực, sau khi nghe Hồ Tú Bảo tâm sự về thiên tình sử vô cùng lãng mạn của anh và vừa chìm vào giấc ngủ (giường là hai chiếc bàn làm việc kê sát lại với nhau, chiếu và chăn tự mỗi người mang từ nhà tới) thì bị đánh thức dậy. Trời mưa, hầm máy tính bị thấm, nước tràn vào ngập quá chân máy tới hơn 20 phân. Mấy anh em dùng xô múc nước đổ ra ngoài, vài tiếng đồng hồ mới xong. Mỗi lần có sự cố như vậy, các kỹ sư của Viện phải mất nhiều ngày sửa chữa rồi máy mới hoạt động trở lại được.

Bên cạnh một số hướng nghiên cứu lý thuyết về các hệ thống, các hệ điều khiển, các phương pháp thống kê, phương pháp tính toán trong các hệ phương trình vi phân, các hệ đại số tuyến tính, ngôn ngữ hình thức, độ phức tạp tính toán, … gần gũi với toán học, lúc đó Viện tập trung vào ba hướng nghiên cứu phát triển chính: 1) Lập trình, các ngôn ngữ thuật toán và cơ sở dữ liệu; 2) kỹ thuật tính toán, đặc biệt là kỹ thuật vi tính và vi xử lý cùng ứng dụng trong điều khiển kỹ thuật; 3) chuẩn bị về lý luận và kỹ thuật để thực hiện các ứng dụng trong điều khiển sản xuất và quản lý kinh tế. Tốt nghiệp ngành toán điều khiển và kỹ thuật tính toán, làm luận án về lưới lặp các ô tô mát hữu hạn, về nước, sau một bài viết chung với anh Đỗ Long Vân đăng trên tạp chí EIK của Đức, tôi không nghiên cứu lý thuyết thêm gì theo hướng cũ nữa mà bắt đầu quan tâm tới phương pháp lập trình và các khía cạnh ứng dụng của tin học. Việc chuyển hướng một phần do thiếu tài liệu sách báo chuyên môn để tham khảo, một phần vì tôi không hứng thú nghiên cứu lý thuyết thuần túy mà muốn làm thứ gì đó phục vụ được thực tế. Chuyến đi công tác đầu tiên của tôi với Viện là mùa thu năm 1977 vào Trung tâm IBM TP Hồ Chí Minh cùng các anh Nguyễn Văn Điền và Vũ Tuấn Tú để làm bài toán về thủy lợi. Đi công tác bằng tàu hỏa nhưng chúng tôi không mua nổi vé. Tàu chạy mấy ga mới được bán vé bổ xung, không có ghế, cả ba nằm/ngồi dưới sàn, ngay cạnh buồng vệ sinh, tới Sài Gòn thì người dính đầy than và bụi. Chuyến đi đó nhớ hai “kỷ niệm”: cô kỹ thuật viên ở Trung tâm IBM khoe đã tu nghiệp bên Úc tỏ vẻ coi thường mấy chàng Bắc kỳ khi chỉ dẫn về JCL (Job Control Language) của máy IBM-360 dù chưa hề biết mấy chàng là ai; có nghe về nạn cướp ở Sài Gòn nhưng chính mình lại được tự trải nghiệm khi ngay gần nhà thờ Đức Bà, hai thanh niên lượn Honda ngang qua và giật luôn chiếc đồng hồ Seiko trên tay.

GS Hồ Thuần, thủ trưởng trực tiếp của tôi, em trai nhạc sĩ Hồ Bắc, là người nhân hậu, tinh tế, đậm chất Kinh Bắc, đã tạo được sự gắn bó giữa các thành viên của phòng trong công việc cũng như trong cuộc sống. Sau hơn 40 năm, bây giờ mỗi khi có dịp phòng Lập trình chúng tôi vẫn tổ chức những buổi gặp mặt rất ý nghĩa, chung vui ôn lại những kỷ niệm xưa.

TS Vũ Duy Mẫn
(còn nữa)


(1) Thuộc Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Công nghệ Thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan