BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Sự kiện CNTT trong 3 thập kỷ 195x-197x

Thứ Bảy 10, Tháng Chín 2022bởi Cong_Chi_Nguyen

Năm 1953

Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ, Grace Hopper (ảnh trên) đã sáng tạo ngôn ngữ lập trình COBOL (COmmon Business-Oriented Language). Sau khi mất bà được mệnh danh là “Đệ nhất phu nhân phần mềm” trong thông cáo tặng Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ.

Năm 1954

John Backus và nhóm lập trình viên của ông tại công ty IBM đã xuất bản một bài báo mô tả ngôn ngữ lập trình FORTRAN (FORmula TRANslation). Năm 1977 ông nhận giải thưởng Turing.

Năm 1956

Công ty IBM đưa ra 2 sản phẩm thuộc loại đầu tiên: ổ đĩa cứng IBM Disk Storage và phần mềm Resident Monitor chạy trên máy tính IBM 704.

Jack Kilby và mạch tích hợp đầu tiên

Năm 1958

Jack Kilby và Robert Noyce công bố mạch tích hợp đầu tiên tại công ty Texas Instruments, còn gọi là chip điện tử. Kilby sau đó được trao giải Nobel Vật lý.

Năm 1963

Charles William Bachman III (1924–2017) đưa ra mô hình CODASYL, hệ quản trị cơ sở dữ liệu phân cấp đầu tiên tại General Electric Research Laboratory. Năm 1973 ông nhận giải thưởng Turing.

Năm 1964

  • Công ty DEC (Digital Equipment Corporation) sáng chế máy tính 12-bit PDP-8 được xem là minicomputer thương mại đầu tiên.
  • Hai giáo sư Mỹ John George Kemeny và Thomas Eugene Kurtz thuộc Đại học Dartmouth đã sáng tạo ngôn ngữ lập trình đơn giản BASIC (Beginner’s All-purpose Symbolic Instruction Code).
  • Công ty IBM công bố dòng máy tính IBM 360 Series nổi tiếng với cấu trúc modul và sử dụng mạch tích hợp cỡ nhỏ.

Năm 1967

Công ty Texas Instruments đưa ra thị trường Handheld Calculator – máy tính cầm tay đầu tiên.

Năm 1968

Douglas Engelbart công bố một nguyên mẫu của máy tính hiện đại trong Hội nghị Fall Joint Computer Conference họp tại San Francisco. Bài nói của ông có tên “Trung tâm nghiên cứu tăng cường trí tuệ con người” đi kèm trình diễn trực tiếp máy tính có cả chuột và giao diện người dùng đồ họa (GUI). Sự kiện này đánh dấu bước phát triển máy tính từ một công cụ chuyên dụng trong khoa học kỹ thuật trở thành một sản phẩm tiêu dùng dễ tiếp cận hơn với công chúng. Năm 1997 ông nhận giải thưởng Turing.

Năm 1969

Ken Thompson, Dennis Ritchie và một nhóm các nhà phát triển khác tại Phòng thí nghiệm Bell Labs tạo ra UNIX, một hệ điều hành giúp “kết nối mạng quy mô lớn của các hệ thống máy tính đa dạng – và mạng internet trong thực tiễn”. Nhóm nghiên cứu đằng sau tiếp tục phát triển hệ điều hành UNIX sử dụng ngôn ngữ lập trình C mà họ cũng đã tối ưu hóa. Năm 1983 hai ông nhận giải thưởng Turing.

3 loại đĩa mềm 8″1/2, 5″1/4 và 3″1/2

Năm 1970

  • Một nhóm kỹ sư IBM do Alan Shugart dẫn đầu đã phát minh ra “đĩa mềm”, cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các máy tính khác nhau.
  • Công ty Intel mới thành lập đã công bố Intel 1103 – chip Bộ nhớ động truy cập ngẫu nhiên (DRAM) đầu tiên.
  • Edgar Frank Codd nhà toán học người Anh tại công ty IBM đã đưa ra mô hình Hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ đầu tiên. Năm 1981 ông nhận giải Turing.

Năm 1971

Kỹ sư người Nhật Masatoshi Shima 28 tuổi (sinh năm 1943) đã thiết kế bộ vi xử lý 4-bit đầu tiên Intel 4004.

Bộ vi xử lý Intel 4004

Năm 1972

  • Tháng 9-1972, kỹ sư người Mỹ gốc Đức Ralph Baer đã phát hành Magnavox Odyssey – máy chơi videogame tại gia đầu tiên, giá 179 USD.
  • Tại công ty Atari, doanh nhân Nolan Bushnell và kỹ sư Al Alcorn đã sản xuất, phát hành Pong chạy trên máy tính gia đình Atari. Pong là một trò chơi điện tử thể thao kiểu arcade theo chủ đề bóng bàn, có đồ họa hai chiều đơn giản. Đây là thành công về mặt thương mại đầu tiên của videogame.

Năm 1973

  • Robert Metcalfe, một nhà nghiên cứu của công ty Xerox đã phát triển mạng cục bộ Ethernet để kết nối nhiều máy tính và phần cứng khác trên địa bàn nhỏ.
  • Tại công ty Pháp R2E, hai kỹ sư Trương Trọng Thi 37 tuổi (sinh năm 1936, gốc Việt) và François Gernelle 29 tuổi (sinh năm 1944) chế tạo máy vi tính 8-bit đầu tiên mang tên Micral-N, dùng chip Intel 8008.
Máy vi tính Micral-N

Năm 1974

  • Máy tính gia đình Commodore Personal Electronic Transactor (PET) bao gồm bộ vi xử lý 8-bit MOS Tech 6502, điều khiển màn hình, bàn phím và máy ghi âm cassette, được phát hành ra thị trường. Theo tác giả O’Regan, PET đặc biệt thành công trong lĩnh vực giáo dục.
  • Gary Kildall của công ty Digital Research đưa ra CP/M (Control Program/Monitor, sau đổi là Control Program for Microcomputers) – một hệ điều hành máy vi tính dựa trên bộ vi xử lý Intel 8080/8085.

Năm 1975

  • Trang bìa tạp chí Popular Electronics (“Điện tử phổ thông”) số tháng 1 giới thiệu Altair 8080 dùng chip Intel 8080 là “máy tính mini đầu tiên trên thế giới sánh ngang với các mẫu thương mại”.
  • Đọc xong tin trên, Paul Allen 22 tuổi và Bill Gates 19 tuổi đã đề nghị viết phần mềm cho Altair bằng ngôn ngữ BASIC. Ngày 4 tháng 4, sau thành công đầu tiên này, hai người bạn từ thời thơ ấu đã thành lập công ty phần mềm Microsoft của riêng họ.
Siêu máy tính Cray-1 đặt tại EPFL (Đại học Bách khoa Lausanne), Thụy Sĩ.

Năm 1976

  • Công ty Cray Research thiết kế, sản xuất và tiếp thị siêu máy tính Cray-1, đầu tiên được lắp đặt tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Mỹ.
  • Theo Đại học MIT, Steve Jobs 21 tuổi và Steve Wozniak 26 tuổi đã sáng lập công ty Apple Computer vào ngày Cá tháng Tư. Họ quảng cáo Apple I, máy tính cá nhân chỉ có một bảng mạch, dùng chip MOS Tech 6502 và ROM.

Năm 1977

  • Tháng 1-1977 chiếc máy vi tính VT80 đầu tiên của Việt Nam được chế tạo thành công tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, Hà Nội bởi một nhóm thanh niên sử dụng bộ vi xử lý Intel 8080.
  • Theo Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Mỹ, Radio Shack khởi động sản xuất lần đầu gồm 3.000 máy tính TRS-80 Model 1 có giá 599 USD nhưng bị chê bai là “Thùng rác 80”. Trong vòng một năm, công ty đã nhận được 250.000 đơn đặt hàng cho chiếc máy tính này. (Nguồn: “How TRS-80 Enthusiasts Helped Spark the PC Revolution”, NXB The Seeker Books, 2007).
  • Hội chợ Máy tính Bờ Tây đầu tiên được tổ chức tại San Francisco. Tại đây Steve Jobs và Wozniak đã giới thiệu máy tính Apple II, bao gồm bìa đồ họa màu và một ổ băng audio cassette để lưu trữ.
Máy tính cá nhân Apple II

Năm 1978

VisiCalc, chương trình bảng tính điện tử lần đầu tiên được giới thiệu trên máy vi tính.

Năm 1979

Công ty MicroPro International, được thành lập bởi kỹ sư phần mềm Seymour Rubenstein, đã phát hành WordStar, bộ xử lý văn bản thành công về mặt thương mại đầu tiên. WordStar được lập trình bởi Rob Barnaby và bao gồm 137.000 dòng mã. (Nguồn: cuốn sách của Matthew G. Kirschenbaum “Track Changes: A Literary History of Word Processing”, NXB Harvard University Press, 2016).

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan