BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

SẢN XUẤT VÀ ỨNG DỤNG

18, Tháng Ba 2007, bởi Cong_Chi_Nguyen

“Đặc biệt, tôi muốn nói tới công nghiệp thông tin là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn mà Việt Nam đang phải nhập siêu, chứ không phải công nghệ thông tin là những sản phẩm trí tuệ nay đã có thể chuyển giao khá dễ dàng và trực tiếp từ nguồn sáng chế với thời gian và chi phí rút gọn hơn tự làm rất nhiều.” — Nguyễn Chí Công

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI

Mở đầu năm 1979, đột nhiên chiến tranh biên giới Tây Nam bùng lên dữ dội rồi quân đội Trung Quốc vượt biên giới phía Bắc. Số người bỏ nước ra đi bằng thuyền tăng vọt. Các hình ảnh và bình luận về những thảm hoạ đó tràn ngập báo chí, truyền hình phương Tây và Việt Nam càng bị cô lập hơn, thậm chí nhiều trí thức trong CCSTV cũng rời bỏ tổ chức này. Lo lắng cho mẹ già, tôi vội vã quay về nước với hành lý gồm những vật tư và hệ phát triển vi tính của mình. Sân bay Nội Bài vắng lặng, Hà Nội lục tục sơ tán. Cuộc sống xáo trộn ghê gớm, mọi thứ tưởng chừng quay lại thời Mỹ ném bom miền Bắc.

Tôi tiếp tục làm việc ở Viện KH Tính toán và Điều khiển. Có lệnh tổng động viên, nam thanh niên nhập ngũ không chỉ sang Campuchia mà còn đi lên phía Bắc. Hà Nội vắng dần các chàng trai; đến lượt phụ nữ và học sinh Thủ đô cũng phải tham gia đào phòng tuyến Bắc Ninh; thậm chí nhiều nhà khoa học đã đi đến tận các vùng biên giới để tẩy uế chiến trường sau khi lính Trung Quốc rút lui.

MÁY TÍNH VT81

Mặc dù cả nước đang trong tình trạng chiến tranh như vậy, chúng tôi vẫn bắt tay ngay vào việc chế tạo loạt máy vi tính VT81 có cả bàn phím với màn hình. Và màn hình đầu tiên ấy chính là một chiếc TV trắng đen mang nhãn hiệu Neptune do VN lắp ráp theo thiết kế của Ba Lan và được 2 anh Cước, Lợi “chuyển mục đích sử dụng” một cách tài tình thành video display.

Máy VT81 với màn hình là TV trắng-đen tại Liễu Giai. Photo ©NCCong 1979

Có sẵn mạch in, hệ phát triển và các linh kiện hiện đại nên việc lắp ráp đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, Viện KH Tính toán và Điều khiển cũng đã trang bị cho chúng tôi một oscilloscope của Hungary và hai máy điều hoà nhiệt độ để làm việc và vượt qua những ngày nóng ẩm, dĩ nhiên là nếu có điện. Một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi hồi đó là ngành cơ khí nước ta chưa chế tạo được vỏ máy tính với độ chính xác mong muốn, vì thế phải trổ tài thủ công (người ta bảo tôi bây giờ các công ty máy tính phải nhập khẩu gần hết, kể cả đinh ốc, không rõ có thật vậy không ?).

Với những triển vọng ban đầu đó, tôi đã từng được anh Diệu bảo đến nhà riêng Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo trực tiếp, sau khi thần tượng của tôi – kỹ sư Trần Đại Nghĩa, anh hùng lao động thời chống Pháp, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô – đã tỏ ý không tin lắm vào tương lai của ngành tin học (informatique). Vị cựu Tổng tư lệnh huyền thoại thì lại đồng ý đầu tư, chỉ nhẹ nhàng nói rằng lẽ ra phải dịch là “tín học” theo ông hoặc “thông tin học” theo Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh (quả là gần với từ “information technology” mà mãi sau mới được dùng, thậm chí bị lạm dụng sai nghĩa). Về mặt này, những nhà chính trị tầm cỡ như thế đã có dự cảm đúng và sớm hơn hầu hết thủ lĩnh các nước khác. Nhưng quả thật Vụ 1 Bộ Tài chính suốt hơn năm trời không tìm ra đủ ngoại tệ mạnh để thực hiện dự án của chúng tôi.

Mở ngoặc thêm: cuối năm 1980, một phái đoàn cao cấp của Chính phủ đã bất ngờ đến thăm Phòng Kỹ thuật Vi xử lý nhỏ bé. Hôm ấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rất kiệm lời nhưng cụ thể, điều quan trọng là ông đã giao Phó thủ tướng Đồng Sĩ Nguyên dành nửa tầng dưới toà nhà bê tông sắp xây của Viện Toán học ở Nghĩa Đô để cho Phòng chúng tôi tạm dùng trước khi sẽ có trụ sở riêng bên cạnh. Mừng khôn xiết nhưng khi nghe một người đi cùng Thủ tướng là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước Trần Quỳnh nói: “Chỗ làm việc của các anh còn tốt chán so với phòng thí nghiệm của Marie Curie cách đây một thế kỷ !” thì chúng tôi lại thấy lo lo. Sau đó ít lâu, khi Chủ nhiệm Trần Quỳnh trở thành Phó thủ tướng phụ trách Khoa học và Kỹ thuật, tôi mới hiểu rằng giới hàn lâm nước ta bị lâm vào cảnh cạnh tranh bởi vì có các mâu thuẫn về quan điểm trong ban lãnh đạo.

H.V.Regemorter, Ph.Đ.Diệu, Ng.Ch.Công bàn về hợp tác. Photo ©NCCong 1979

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC

Trở lại mùa hè 1979, Uỷ ban KHKT Nhà nước đã mời Chủ tịch và Tổng thư ký của CCSTV (tức Henri và Alain) sang khảo sát và thảo luận biện pháp đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phương Tây, đặc biệt là vi tin học (ngành tin học ứng dụng kỹ thuật vi xử lý). Hợp tác kỹ thuật nhiều năm với các nước XHCN đã lộ dần nhiều mảng trống, cho nên đây là một chuyển hướng sách lược rất quan trọng và đúng đắn. Thật vô cùng tiếc rằng việc này chỉ được thi hành nửa vời với quá ít kinh phí và mấy năm sau thì tắt dần khi người phụ trách bị thay.

Nhân dịp ấy, khi cùng Henri đến thăm học giả Nguyễn Khắc Viện tại nhà riêng ở phố Nguyễn Chế Nghĩa, tôi mới biết Alain còn tham gia Liên đoàn Duy lý [1], nơi tập trung hàng nghìn nhân sĩ nổi tiếng thế giới đã từng tổ chức toà án Bertrand Russel xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trong tủ sách của bác Viện quả là có hàng trăm cuốn tạp chí của Liên đoàn này, bìa ghi “Alain Teissonnière, Tiểu ban Triết học”. Có lẽ tư duy triết học và tác phong công nghiệp đã mách bảo ông chọn đúng con đường vi tin học ngay từ buổi kỹ thuật vi xử lý mới ra đời vào đầu thập niên 1970.

Gần 30 năm sau, Liên đoàn Duy lý đã trao giải thưởng Union Rationaliste 2005 cho Alain Teissonnière vì những hoạt động nhân văn không mệt mỏi. Biết bao sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh và người Việt tỵ nạn đã được ông giúp đỡ trong nửa thế kỷ qua. Về cuối đời, tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin của Việt Nam VAVA [2].

Ngô Bảo Châu, Henri, Alain và các NCS tại Đài thiên văn Meudon. Photo ©NCCong 1997

Trước khi về Pháp, Alain cùng tôi đã liên tiếp thuyết trình nhiều buổi chuyên đề, tổng cộng số người dự lần này lên đến hàng trăm, kể cả một số anh em từ Viện Vật lý và các sinh viên đang thực tập tại Viện KH Tính toán và Điều khiển, thậm chí có những giảng viên đại học từ miền Nam xa xôi lặn lội ra dự. Thấy thế, chúng tôi bèn vào làm một đợt tương tự ở ngay TP Hồ Chí Minh, tuy số cử toạ ít hơn nhưng nhiệt tình thì không hề kém và tôi lại có thêm nhiều bạn bè là đồng nghiệp tài năng, rất tiếc sau này trong những năm khủng hoảng một số đã phải rời quê hương tìm đường sống.

Đến mùa thu năm 1979, biên giới phía Bắc mới bớt căng thẳng, mặc dù thỉnh thoảng hai bên vẫn có chạm súng. Đợt thực tập sinh thứ hai (Tiễu, Thái, Đức, Mẫn) cũng quay về nước và những ứng viên khác lại sang Pháp. Phòng chúng tôi đổi tên thành Phòng Kỹ thuật Vi xử lý, do TS Nguyễn Gia Hiểu và tôi phụ trách, anh Tiễu sang phụ trách Phòng Máy tính.

Chúng tôi tiếp tục chế tạo chiếc máy tính VT81 thứ ba với ổ đĩa mềm và cho chạy hệ điều hành CP/M80 để phục vụ anh em Phòng Lập trình bắt đầu viết phần mềm thông dịch (interpreter) cho “Basic Đồi Thông”, một ngôn ngữ tựa Basic do anh em tự xây dựng. Viện KH Tính toán và Điều khiển đã trở thành nơi phổ biến kỹ thuật vi xử lý đầu tiên ở Việt Nam và nhận nhiều thực tập sinh đến từ những nơi khác. Nếu tôi không nhớ nhầm thì chiếc máy tính VT81 thứ tư là một hệ phát triển lắp ráp cho Học viện Kỹ thuật Quân sự, nơi ra đời và phát triển một nhóm nghiên cứu khác về ứng dụng vi xử lý trong tự động hóa.

KS A.Teissonnière và GS Phan Đình Diệu. Photo ©NCCong 1979

Năm 1980, chúng tôi đã gửi thông báo vắn tắt những kết quả của mình đến một hội thảo tin học quốc tế ở Sophia. Lúc đó, cố chủ tịch U.S. Committee for Scientific Cooperation with Vietnam (USCV) Edward Cooperman đến làm việc với lãnh đạo Viện KH Việt Nam có mời anh Diệu và tôi sang thăm Mỹ. Không thông báo lý do, tổ chức đã không cho tôi đi, lần thứ hai vào năm 1982 cũng thế, mặc dù Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý. Năm 1984, GS vật lý Edward Cooperman mới ở tuổi 49 nhưng đã bị một sinh viên gốc Việt giết chết ngay tại phòng làm việc của mình tại California State University. Chính con người dũng cảm này đã lần lượt mang mấy máy vi tính Apple IIe sang cho Viện Vật lý và góp phần tạo nên một nhóm ứng dụng vi tin học ở đó. [3]

ỨNG DỤNG

Từ năm 1979, anh Diệu và Alain đã nhất trí phải ứng dụng vi tin học vào quản lý xí nghiệp chứ không chỉ dừng ở mức tính toán khoa học kỹ thuật như trước đây. Cơ hội xuất hiện vào cuối năm 1981, khi anh Vương Hữu Trường, giám đốc Nhà máy may Sinco từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội mời Viện KH Tính toán và Điều khiển vào giúp đỡ. Cũng chính lúc đó, hãng máy tính số 1 thế giới IBM vừa đưa ra thành công lần đầu tiên chiếc PC (Personal Computer – máy tính cá nhân) dựa trên chip Intel 8088. Do không mua được hệ điều hành CP/M của Gary Kildall nên IBM đành chạy PC-DOS của Microsoft mà Bill Gates lại mua từ công ty Seatle Computer về sửa.

Thế là tôi cùng nhóm phần mềm gồm các anh Phạm Ngọc Khôi, Vũ Duy Mẫn cùng hai người mới “nhập ngũ” là Giang Công Thế và Trần Xuân Thuận đã đem một trong các máy VT8X đi rất xa, đến tận thành phố Hồ Chí Minh năng động nhất cả nước. Ròng rã mất vài tháng, nhóm này đã trực tiếp phân tích bài toán và sử dụng ngôn ngữ “Basic Đồi thông” để viết phần mềm ĐT82 quản lý vật tư cho Sinco, một điển hình tiên tiến của Sở công nghiệp TP Hồ Chí Minh.

Loạt máy VT82, 83 chế tạo tiếp theo tại Nghĩa Đô. Photo ©NCCông 1983

Trụ sở và cả nhiều căn hộ tập thể của Sinco ở trong một cao ốc vốn là khách sạn đang xây bỏ dở từ 1975, phòng tắm các tầng trên cùng đã biến thành chuồng lợn, nhưng bể bơi và hội trường ở tầng trệt lại được gìn giữ tử tế. Tôi tham gia làm việc với anh em tin học từ Sinco, nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội và các trường, viện khác, nhưng công việc chủ yếu lại là liên lạc và tìm cách sản xuất hàng loạt các máy VT8X cùng anh Nguyễn Ngọc Ngoạn, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử Việt Nam. Triển vọng thị trường ngày ấy còn mờ mịt nên cuối cùng Liên hiệp không dám đầu tư lớn và tôi phải trở ra Bắc trước khi nhìn thấy thành công bước đầu của nhóm ứng dụng, mặc dù anh Vương Hữu Trường còn chưa truyền xong kinh nghiệm nuôi chim cút. Sau anh Thuận kể lại: ba nhà lãnh đạo nổi tiếng Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và Mai Chí Thọ đã mời anh em đến trình diễn những kết quả ứng dụng VT8X vào quản lý xí nghiệp trong một cuộc họp quan trọng của Thành ủy rồi cùng dự tiệc chiêu đãi và nhà báo Phước Sanh có đăng bài trên báo Quân đội Nhân dân.

Sau Tết 1982, tôi được Viện cho đi 6 tháng sang Pháp để thực tập về thiết kế VLSI (vi mạch cực lớn) và mạng máy tính. Thời gian này, anh Diệu tiếp tục chỉ đạo 2 phòng KT Vi xử lý và Lập trình cử một nhóm gồm Mẫn, Khôi, Liên, Tam, Thái, Mỹ và chị Đỗ Việt Nga vào lại TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ vừa hoàn thiện trình thông dịch “Basic Đồi Thông”, vừa thí điểm dùng ĐT82 để quản lý vật tư cho Xí nghiệp Điện tử Tân Bình. Phòng KT Vi xử lý cũng dọn lên tận Nghĩa Đô, ở tạm trong một phần tầng trệt của Viện Toán (được cho mượn nhờ có lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như đã kể ở trên).

Cứ như vậy, với sự giúp đỡ của Alain trong 10 năm cho đến khi ông phải nghỉ để chữa bệnh hiểm nghèo vào năm 1987, không kể thực tập sinh tin học của các trường, viện khác, chỉ riêng Viện KH Tính toán và Điều khiển đã gửi được sang Pháp khoảng 30 anh chị. Chủ trương này lúc ấy rất hữu hiệu, hầu hết những kết quả do các thực tập sinh đem về nước đã giúp cho loạt máy vi tính từ VT80 đến những đời tiếp theo được đưa vào các ứng dụng khác nhau, dù chỉ sản xuất được loạt nhỏ vì bị cấm vận và tài chính hạn chế. Thậm chí, tôi và nhóm anh Mẫn đã đưa được máy PC/XT với đĩa cứng và nhiều phần mềm Mỹ vào ứng dụng lần đầu tiên trong Văn phòng Chính phủ, rồi được thưởng mỗi người mấy mét vải, của hiếm ở thời tem phiếu. Ngoài ra, anh Diệu còn chọn tôi và một vài anh em kỹ thuật khác tham gia những ứng dụng đặc biệt mà có lẽ sẽ được kể trong dịp khác…

GS Ph.Đ.Diệu và các NCS, TTS Việt Nam tại Pháp. Photo ©NCCong 1985

Sự khốn khổ của chế độ bao cấp và đạo đức càng ngày càng xuống cấp đã dẫn tới việc một số người trong Viện bị vô hiệu hoá hoặc phải từ biệt “đa số thầm lặng” mà ra đi. Đau thương thay khi các “đứa con tinh thần” của mình bị đem bán cho đồng nát, trong khi hãng Apple đã phải lùng mua chiếc máy vi tính đầu tiên của họ với giá đắt hơn hàng trăm lần để đưa vào Viện bảo tàng! Tại Hà Nội, một số quan chức có học vị nhưng không cập nhật kiến thức đã hiểu sai, gây chậm trễ hoặc thậm chí lái sách lược vi tin học sang hướng có lợi cho cá nhân, vô tình góp phần làm mất cơ hội phát triển công nghiệp thông tin mà chỉ vài năm sau những con hổ châu Á đều biết chọn như vũ khí kinh tế hàng đầu. Thời đổi mới cuối cùng cũng đến và năm 1988 tôi đã cùng tham gia thành lập công ty FPT với chiếc máy vi tính của riêng mình còn sót lại… Nhưng các công ty tin học Việt Nam đã phải vật lộn buôn bán và tập tành hàng chục năm nữa mới có thể bắt đầu làm thuê gia công phần mềm cho nước ngoài.

Những bài học lịch sử nói trên đến bây giờ vẫn có ích chăng? Báo chí và dư luận gần đây tiếp tục nói về sự lãng phí sức người và tiền của nhân dân ở mức độ rộng lớn trong khu vực nhà nước với tàn dư của sự níu vớt độc quyền quản lý, trong khi lẽ ra phải tạo mọi điều kiện để các doanh nhân (entrepreneurs) phát triển phù hợp với chủ trương “công nghiệp hoá” của đổi mới. Đặc biệt, tôi muốn nói tới công nghiệp thông tin là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn mà Việt Nam đang phải nhập siêu, chứ không phải công nghệ thông tin là những sản phẩm trí tuệ nay đã có thể chuyển giao khá dễ dàng và trực tiếp từ nguồn sáng chế với thời gian và chi phí rút gọn hơn tự làm rất nhiều.

Nguyễn Chí Công
(Tạp chí Tin học & Đời sống, Xuân Đinh Hợi)

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan