BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Sách e-book ra đời năm nào?

Thứ Năm 1, Tháng Chín 2022bởi Cong_Chi_Nguyen

Quyển sách e-book đầu tiên do bà Ángela Ruiz Robles sáng chế năm 1949 tại Tây Ban Nha và được đặt tên là “Enciclopedia Mecánica” (Bách khoa toàn thư cơ khí). Nghe tên tưởng chừng nó to nặng lắm nhưng quả thật ta hoàn toàn có thể cầm tay như một chiếc cặp nhỏ và dễ dàng mang theo người. Bằng cách sử dụng hợp lý các trang mỏng nhẹ và các cuộn nhỏ cùng với phần văn bản được viết theo nhiều chủ đề, nó chứa tất cả những quyển sách mà học sinh Tây Ban Nha thời ấy cần đến.

Ángela Ruiz Robles (1895-1975) là người phát minh ra tiền thân của sách e-book. Tác giả được trao bằng sáng chế của Tây Ban Nha mang số 190.698 vào năm 1949, cách nay đã hơn 70 năm. Vậy câu chuyện diễn ra thế nào?

Ángela muốn giảm trọng lượng của những cuốn sách mà học sinh phải mang đến trường, vì vậy bà đã nghĩ ra một thiết bị bao gồm văn bản và hình ảnh minh họa in trên các cuộn giấy, mỗi cuộn về một chủ đề, tất cả nằm dưới một tấm kính lúp có đèn soi để đọc trong bóng tối. Sách có thể kết hợp với phần mô tả chủ đề bằng giọng nói. Thiết bị chưa bao giờ được đưa vào sản xuất hàng loạt nhưng một nguyên mẫu của nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Quốc gia ở thành phố biển A Coruña, Tây Ban Nha.

Ángela đã định nghĩa nguyên mẫu là một quy trình cơ học, sử dụng điện và áp suất không khí để đọc sách. Nó hình thành từ các bộ phận hoạt động được nhờ vào một mạch điện do bà thiết kế. Lúc đó bà là một giáo viên tài năng và nhà văn vẫn còn chưa được biết tiếng. Đối với bà, động lực không chỉ là tình yêu khoa học và sự đổi mới mà chủ yếu là tình yêu trẻ em và giáo dục.

Khi trưng bày Enciclopedia Mecánica để có kinh phí phát triển nó, bà giải thích rằng bà dự định làm nhẹ túi của học sinh và tạo ra thứ gì đó có thể sử dụng cả ở trường và ở nhà. Nó có thể được sử dụng để học tập tương tác nhiều hơn, bằng các ngôn ngữ khác nhau và có thể được điều chỉnh cho phù hợp với học sinh ở mọi trình độ. Ángela tự tin vào dự án của mình và lý do đằng sau việc tạo ra nó, vì vậy bà đã đến thủ đô Madrid để triển lãm nó cho các tổ chức khác nhau. Với nguyên mẫu trong tay và giải thích bằng miệng, bà đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và động viên, nhưng không có kinh phí.

Bất chấp sự thất vọng này, Ángela vẫn tự tin rằng cách hiểu của bà về giáo dục là đúng đắn, và tiếp tục cải tiến phát minh của mình. Hơn một thập kỷ sau nỗ lực đầu tiên này, vào ngày 10 tháng 4 năm 1962, bà đã nộp bằng sáng chế thứ hai: một thiết bị để đọc các bài khác nhau. Bà đã đặt hàng một nguyên mẫu cải tiến, làm bằng kẽm và đồng, cho công ty in quốc gia Empresa Nacional Bazán. Các chủ đề học tập được chứa trong các cuộn giống như cuộn phim ảnh, và có thể thay đổi tùy theo hướng nghiên cứu.

Bà trở lại Madrid và phỏng vấn các đối tác tiềm năng vì bà chắc chắn rằng ai đó sẽ quan tâm đến sự cải tiến này. Như đã xảy ra trong chuyến đi đầu tiên, bà vẫn không tìm thấy nhà tài trợ. Ángela đã không thể phát triển hoặc phân phối phát minh này, nhưng là người tiên phong của sách điện tử. Bà đã gần 70 tuổi khi bị từ chối một lần nữa, và 75 tuổi khi bà là người từ chối cho khai thác các bằng sáng chế của mình tại Mỹ.

Năm 1971, Michael Stern Hart (1947-2011) tham gia Dự án Gutenberg, và ông được người Mỹ công nhận là nhà phát minh ra e-book. Thật đáng tiếc vì lẽ ra sách điện tử có thể ra đời sớm hơn và có thể được đặt theo tên của một phụ nữ Tây Ban Nha.


7567 NCC 31/8/2022

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan