BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Phòng Kỹ thuật số

Thứ Năm 23, Tháng Giêng 2020bởi BTV

Phòng Kỹ thuật số được thành lập nhờ sự ra đời của Viện Khoa học Tính toán & Điều khiển vào tháng 12-1976 bằng cách sáp nhập Ban Điều khiển học với Phòng Máy tính của Ủy ban KH&KT Nhà nước. Phòng Máy tính do TSKH Phan Đình Diệu phụ trách là nơi tôi vào làm từ trước đó gần 4 năm, ngay sau khi máy bay B52 ném bom trận cuối cùng tại Hà Nội.

Alain và phần lớn ace trong nhóm VT80. Photo ©NCCong 1977

Đồi Thông

1976 là năm bắt đầu thực hiện kế hoạch tách các cơ quan không có chức năng quản lý nhà nước ra khỏi Ủy ban KH&KT Nhà nước để nhập vào Viện Khoa học Việt Nam [1] do Viện sĩ Trần Đại Nghĩa phụ trách. Trụ sở chính của Viện KHTT&ĐK đóng tại làng Liễu Giai, thuộc quận Ba Đình, TP Hà Nội. Tài sản lớn nhất gồm hai chiếc máy tính: Minsk-22 có từ năm 1968 đặt tại 39 Trần Hưng Đạo và Odra-1304 lắp đặt năm 1974 trong căn hầm lớn bên dưới Đồi Thông. Tôi và mấy anh em khác được phân công thôi làm việc trên hai máy tính kia để chuyển sang Phòng Kỹ thuật số.

Cơ sở vật chất ban đầu của PKTS thật là nghèo nàn. Viện chia cho 04 căn buồng cấp 4 lợp ngói, diện tích mỗi buồng khoảng 20 mét vuông, mùa hè nóng chảy mỡ mà chỉ có quạt trần. May mà có nền gạch và hàng hiên cao ráo, trước mặt lại là phòng của viện trưởng, ở giữa có một sân đất khá rộng đủ để chơi bóng chuyền, cầu lông và minifootball. Xa hơn, gần nhà vệ sinh ngoài đồng hoa là khu tập thể của Viện, về sau có chuyển từ hội trường ra đó chiếc bàn pingpong thân thiết của chúng tôi.

Tên là PKTS nhưng lúc đó chúng tôi có rất ít sách kỹ thuật, trong thư viện Đồi Thông chủ yếu là sách lý thuyết và tạp chí tiếng Nga. Cô thủ thư vốn là một trong số công nhân Phòng Máy tính hồi đó được tuyển chọn rất kỹ càng, vừa trẻ vừa xinh. Trang bị nội thất lèo tèo, mỗi phòng được 01 tủ đứng, mỗi người có 1 bộ bàn ghế, tất cả đều làm từ gỗ tạp và khá cũ, phần lớn ọp ẹp và bị mối mọt tấn công. Hàng tuần chúng tôi thường làm xê mi na và học tiếng Anh tại hội trường hoặc đi thư viện KHKTTƯ ở cách đó 6km mỗi khi bị cúp điện cả ngày. Tuy đã có 16 người nhưng PKTS vẫn mở rộng cửa đón nhận các đồng nghiệp từ bên ngoài, vì vậy mà tôi quen biết khá rộng.

Vi xử lý đến VN

Do có quan hệ từ khi sang Pháp thực tập, ngay đầu tháng 12.1976 anh Phan Đình Diệu đã mời được KS Pháp Alain Teissonnière và Hoàng Thành Đào -một Việt kiều gốc Tày- đến nước ta giới thiệu xu hướng mới nhất thời đó của công nghệ thông tin. Mặc dù Mỹ cấm vận Việt Nam nhưng anh Alain vẫn mang theo các con chip vi xử lý và bộ giáo trình do chính anh soạn ra để làm máy vi tính. Và máy vi tính nhanh chóng đảo lộn tất cả thế giới như thế nào thì ta đã thấy trong 4 thập kỷ vừa qua.

Cuối tháng 1-1977 chiếc máy vi tính VT80 đã được anh chị em chế tạo thành công tại Đồi Thông, dưới sự dẫn dắt của Alain, người thầy đầu tiên. Những người tham gia xây dựng VT80 là Nguyễn Gia Hiểu, Nguyễn Chí Công, Huỳnh Thúc Cước, Nguyễn Trung Đồng, Đặng Văn Đức, Phí Mạnh Lợi, Nghiêm Mỹ, Phạm Quang Oai, Nguyễn Văn Tam, Phan Minh Tân, Đỗ Đình Phú, Trần Bá Thái, Lê Võ Bạch Thông, Nguyễn Chí Thức, Bùi Xuân Vinh.

NCCông (còn tiếp)

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan