BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Nguyễn Bá Hào: Một người Thầy giản dị

Thứ Ba 17, Tháng Chín 2013bởi BTV

Tiếp tục loạt hồi ức về các nhà giáo Việt Nam, BBT mạn phép đăng bài viết công phu và xúc động sau đây.

Nhắc đến tên Thầy Nguyễn Bá Hào, trong khoa Toán Lý và những người làm Công nghệ thông tin không ai là không biết.

Khoảng năm 1970, Thầy chuyển từ Đại học tổng hợp về dạy chúng tôi các môn học về ngôn ngữ lập trình Algol, Cobol, Fortran. Đó là một người dị thường về phong cách. Cảm nhận ban đầu với Thầy của tôi là như vậy nhưng cảm nhận đó không thay đổi theo năm tháng, nhưng sự dị thường ở Thầy thật đáng mến và đó còn là sự nhận biết Thầy không lẫn với những người khác.

Tôi viết sau đây không theo một trật tự nào, hoàn toàn ngẫu nhiên nhưng có chia thành những đầu mục.

Những ngày đầu đáng nhớ

Nhờ sự bày vẽ của Thầy và những Thầy khác, sinh viên hồi ấy thường tham dự các seminar về chuyên môn. Tôi nhớ có dự một vài seminar về ngôn ngữ Toán. Qua các seminar chúng tôi cũng vỡ vạc dần ra và tôi mới biết tầm hiểu biết của thầy thật rộng và sâu. Trong khi chúng tôi còn mù mờ với các câu lệnh và chưa nắm được cấu trúc của ngôn ngữ thì Thầy và GS Phan Đình Diệu đã mổ xẻ tính chặt chẽ trong cú pháp các câu lệnh của Algol 60, thậm chí tôi nhớ các Thầy còn chứng minh tính không chặt chẽ của một số trường hợp.

Tuy Cobol xuất hiện lần đầu năm 1959 nhưng do sự phát triển không có sự thống nhất nên dẫn tới việc không tương thích giữa các phiên bản, năm 1968 mới đưa ra phiên bản tiêu chuẩn và năm 1970 Thầy đã dạy chúng tôi phiên bản đó. Dù sao thì lúc đó Cobol vẫn là ngôn ngữ còn mới với tất thảy mọi người không riêng với chúng tôi nhưng thầy đã dạy một cách tường tận. Một trong những tiết học Cobol tôi còn nhớ rõ. Hôm đó tại giảng đường C1, giờ học Cobol chung cho 2 lớp Toán K12 (lúc đầu gọi là lớp Cơ lí thuyết) và Toán K13 và hình như còn có mấy anh chị K11 nữa, khác với mọi ngày, hôm đó Thầy đem đến một cuốn Cobol dày xuất bản ở Pháp còn thơm mùi mực in. Giờ nghỉ, tôi có lật xem cuốn sách và hỏi Thầy, Thầy bảo anh Diệu cho mượn và cuốn sách đó do GS Bùi Trọng Liễu (Giáo sư đại học René Descartes, Paris, Pháp) tặng. Suốt buổi đó thay cho quyển giáo án soạn như mọi ngày, Thầy đọc dịch luôn cho SV ghi từ cuốn sách. Lúc đầu ai cũng cười về câu mở đầu của thầy «Cobol không được khỏe» (đúng nghĩa đen của câu đó) nhưng đọc lại bài ghi dịch thẳng trực tiếp từ cuốn tiếng Pháp hôm đó lại là một bài học hoàn chỉnh.

Trong bài viết về Thầy Đỗ Xuân Lôi, tôi đã kể về chiếc máy tính đầu tiên ở miền Bắc, máy tính “Минск-22” nằm ở 39 Trần Hưng Đạo. Chiếc máy tính đó đã gắn bó nhiều kỉ niệm với những người theo học ngành CNTT những khóa đầu.

Nhắc đến việc khai thác “Минск-22” không thể nào quên các nhóm cán bộ nghiên cứu của các Viện, Trường, Bộ, ngành mà tên của họ gắn bó thân thiết như Trần Bình, Lại Huy Phương, Nguyễn Tri Niên, Nguyễn Đức Hiếu, Hoàng Kiếm, Nguyễn Bá Hào, Trịnh Văn Thư, Mai Anh, Bùi Khương…

Riêng chúng tôi đó là những kỉ niệm với 2 Thầy giáo ban đầu: Thầy Đỗ Xuân Lôi và Thầy Nguyễn Bá Hào.

Không thể nào quên được đã có bao nhiêu ca đêm Thầy đi cùng sinh viên làm thực hành trên máy. Khi hướng dẫn Nguyễn Thị Tửu, Nguyễn Thị Khuy, Nguyễn Mộng Nguyệt, Doãn Hồ Liên và Bùi Kim Cúc (K14) làm tốt nghiệp, thầy mang cả chiếu đến phòng máy ngủ chờ đến giờ chạy máy đã đăng kí.

Tôi cũng biết trước khi về dạy chúng tôi, Thầy đã ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phải đi sơ tán tại Đại Từ (Bắc Thái). Tất cả các lớp học lúc đó đều ở sát núi Tam Đảo, rất đơn sơ và tạm bợ, thiếu thốn tất cả mọi phương tiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thầy thuộc lớp tiến sỹ đầu tiên được đào tạo rất cơ bản từ đại học tổng hợp Lomonosov về nước phục vụ sự nghiệp giáo dục trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.

Theo những bước đi của Thầy

Thầy tốt nghiệp Đại học Khoa học Cơ bản năm 1954, sau này gọi là trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó Thầy ở lại trường làm CBGD. Khoảng năm 1960 Thầy sang Liên Xô cũ tại trường ĐH Lomonosov làm luận văn về Lý thuyết lập trình, dưới sự hướng dẫn của GS Romanovich Shura-bura (21 tháng 10, 1918 – 14 tháng 12, 2008) – một nhà khoa học Nga xuất sắc. Năm 1964 Thầy bảo vệ luận án PTS (nay gọi là Tiến sĩ). Thầy từng là Giáo sư TS giảng dạy tại trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Bách khoa Hà Nội; tiếp đó làm chuyên gia tại Algeria rồi giảng dạy tại trường đại học Kỹ thuật thuộc Cộng hoà Pháp. Thầy là GSTS đầu tiên của làng Lại Đà, Đông Anh, Hà Nội.

Khi tôi từ Miền Nam ra Bắc học tiếp lại nghe tin Thầy vào làm Giám đốc trung tâm điện toán ở Sài Gòn. Các bạn K17 vào đó thực tập gặp Thầy kể lại là làm Giám đốc nhưng Thầy vẫn xuề xòa như xưa, không ra dáng Giám đốc như người khác. Một bạn hỏi Thầy đường đến nơi thực tập, thầy vừa nói vừa làm động tác đi một đoạn rồi rẽ trái, rẽ phải thế nào.

Sau này Thầy chuyển ra Bắc, năm 1984 Thầy về làm Phó giám đốc Công ty Máy tính Việt Nam, thuộc Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học Việt Nam cho đến cuối 1986. Sau đó Công ty này tách thành 2 công ty Máy tính Việt Nam – Hà Nội và Máy tính Việt Nam Tp. HCM.

Anh bạn tôi cũng là sinh viên của Thầy ở ĐHTH Hà Nội nói với tôi, hồi ấy tài liệu tham khảo rất ít, nên để cung cấp kiến thức cho SV, trong những lần đi hội nghị quốc tế, Thầy thường vào các thư viện để chép bằng tay những tài liệu khoa học đem về cho SV học

Chuyện về dòng họ Nguyễn Bá

Thầy là hậu duệ đời thứ tư của cử nhân Nguyễn Bá Khiêm. Chuyện xưa kể lại dòng dõi Thầy vốn họ Nguyễn Phú nhưng do trong họ có người làm nghề hát ả đào nên không ai được đi thi. Đến đời cụ của Thầy đổi họ là Nguyễn Bá, được dự thi và cụ Nguyễn Bá Khiêm đỗ cử nhân năm thứ 5 triều Tự Đức (1852). Cụ từng làm tri huyện Phủ Cừ một vài năm, rồi cáo quan, về quê sống một cuộc đời thanh bạch. Cụ để lại đôi câu đối dạy thế hệ sau:
Tầm thường khoa hoạn khai môn hộ
Thanh bạch, phong thanh dụy tử tôn

(-Đỗ cử nhân ra làm quan cũng là việc bình thường, nhưng là người mở đầu cho việc học hành của gia tộc / Sự trong trắng là tài sản, tiếng thơm để lại cho con cháu).

Hiện nay ở quê Thầy vẫn còn nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Phú: Xây dựng năm 1865, trùng tu năm 1945. Nhà thờ vốn trong khuôn viên độc lập, kiến trúc theo kiểu tiền kẻ hậu bẩy, gồm 3 gian thờ, 3 bệ thờ. Nhà tiền tế bị giặc Pháp đốt cháy vào năm 1948. Năm 2002 nhà thờ được trùng tu lại, giờ càng thêm bề thế, trang nghiêm.

Sau này trong họ Nguyễn Phú có ý kiến vận động những người mang họ Nguyễn Bá lấy lại họ Nguyễn Phú nhưng chưa có ai đồng ý. Tôi ngẫm ra họ Nguyễn Phú cũng chỉ có chi từ cụ Khiêm (đã mang họ Nguyễn Bá) là có người học hành đỗ đạt và có ích cho đời.

Quê hương Thầy

Quê Thầy ở làng Lại Đà, Đông Anh, Hà Nội. Theo người xưa truyền lại, làng được hình thành khoảng trên 800 năm nay. Khởi đầu, một số gia đình từ các nơi về dựng lều trại trên khu đất lầy lội ở ven sông, vừa làm nghề chài lưới dưới sông, vừa trồng hoa màu trên các doi đất cao. Về sau dân làng chuyển dần lên khu đất cao cách đó không xa, chính là làng Lại Đà ngày nay, còn chỗ ở ban đầu gọi là “Vườn cũ”. Bốn dòng họ lớn có công khai lập làng là: Vương, Lương, Ngô, Nguyễn.

Tên làng “Lại Đà” theo nghĩa chữ Hán là con thác nhỏ bên một nhánh sông. Có lẽ xa xưa, khi dân làng lập cư tại đây, sông Đuống rộng và chảy xiết nên mới gọi như vậy. Cũng có nhiều cách giải thích khác về tên làng, nhưng giải thích theo cách nào thì tên làng cũng phản ánh quá trình các nhóm cư dân ở đây đấu tranh vật lộn với thiên nhiên để gây dựng cuộc sống cho mình.

Làng Lại Đà là một trong ít làng ở Hà Nội vẫn còn giữ lại dáng vẻ cổ xưa qua các di tích như đình, miếu, chùa. Không chỉ dáng vẻ, làng Lại Đà còn có nhiều đặc sản nổi tiếng: khoai lang nghệ, khoai trứng gà, rau cần tiến vua và nét sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian độc đáo.

Tuy nhiên do nằm cạnh con sông nên làng luôn phải chống chọi với những trận lũ khi vỡ đê. Lần vỡ đê Cống Thôn mà các sinh viên Toán Lý được tham gia ứng cứu năm 1971, làng Thầy chìm trong biển nước. Nhưng đó là lần lũ cuối cùng, từ đó đến nay, con sông Đuống cũng hiền hòa hơn. Tuy nhiên hiện nay việc làm cây cầu và con đường qua làng là nguy cơ phá vỡ vẻ cổ xưa của làng.

Lại Đà là quê hương nhưng Thầy sinh bên quê ngoại và tuổi thơ Thầy đã theo gia đình sống ở những vùng miền khác vì thân phụ của Thầy làm nghề giáo, đi đây đi đó.

Về tên gọi của Thầy

Tên gọi của Thầy đặt theo nơi sinh đó là ngõ Thịnh Hào (quận Đống Đa ngày nay) – quê ngoại của Thầy. Tuy nhiên thời gian Thầy sống ở Hà Nôi không lâu. Sau khi sinh Thầy, gia đình chuyển về Nam Định do Bố Thầy được điều về làm việc ở đó. Hồi đó Nam Định là một trong ba thành phố lớn nhất cả nước cùng Hà Nội và kinh đô Huế. Khi chưa xuất hiện cảng Hải Phòng thì Nam Định nằm bên sông Hồng, sông Vị là cảng sông quan trọng bậc nhất ở phía Bắc. Cùng với HN, Huế, Nam Định là một trong 3 nơi có đặt cột cờ VN.

Bố Thầy làm nghề dạy học còn mẹ Thầy vốn con một gia đình giàu có ở HN làm nghề buôn nước mắm ở phố Hàng Đồng, Nam Định.

Thầy học tiểu học ở Nam Định. Lên trung học Thầy học trường Thành Chung Nam Định nhưng đóng ở Yên Mô (Ninh Bình), sau đó trường chuyển vào xã Đại Đồng, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (lúc đó Thanh Hóa thuộc liên khu 3, vùng tự do) gọi là Trung học chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, có các ban Toán-Lý-Hóa, Ban Vạn vật và Ban Ngoại ngữ. Ngày 9/3/1945 tức là ngày Nhật đảo chính Pháp, Thầy tham gia Việt Minh cùng một bạn học. Năm 1950 Thầy được kết nạp vào Đảng. Cuối năm đó Thầy nhập ngũ vào đơn vị Thủy quân và Thầy được cử sang Trung Quốc học về quân sự.

Suốt thời gian từ khi vào Thanh Hóa, gia đình bặt tin Thầy, đến sau này anh Thầy là ông Nguyễn Bá Huấn công tác ở ngành ngoại giao có dip sang công tác ở Trung Quốc mới tình cờ tìm gặp được thầy.

Lớp học một Thầy, ba Trò

Khoảng năm 1971 Bùi Kim Cúc, Cao văn Uyệt và tôi tham gia một nhóm thực tế cùng các Thầy giáo. Đó là các Thầy Nguyễn Bá Hào, Nguyễn Đình Đàn, Nguyễn Nhượng, Hồ Đồng, chị Phi Yến K11 lúc đó đã là CBGD của Khoa cũng là thành viên của đoàn. Chúng tôi làm việc ở Viện Qui hoạch và Thiết kế thuộc Bộ Điện và Than. Nhóm công tác dự kiến thực hiện 2 hợp đồng: Lập qui hoạch lưới điện miền Bắc (Bài toán vận tải), Thiết kế cột vượt qua sông Hồng (đoạn Chèm). Giữa Thầy và Trò lúc đó thật bình đẳng và chúng tôi cũng thực sự tự tin. Tôi nhớ hôm đầu còn làm việc với Viện trưởng là KS Vũ Đình Bông từng học ở Pháp, về tham gia kháng chiến và trong đoàn tiếp quản Thủ đô, tiếp quản nhà máy điện Yên Phụ.

Chúng tôi ăn cơm ở bếp ăn Khoa Điện cũng sơ tán tại Việt Yên. Uyệt và tôi ở trọ cùng một nhà gần nhà trọ của thầy Đàn. Thầy Hào thỉnh thoảng từ Hà Nội lên ở chung nhà với thầy Đàn. Cứ đều đặn, mỗi khi Thầy Hào đến Việt Yên chúng tôi lại lên lớp. Một lớp học đặc biệt: Một Thầy 3 trò và hoàn toàn theo một cách học mới, Thầy và Trò đối thoại với nhau. Chủ yếu Thầy hướng dẫn lập trình Fortran, cuối mỗi buổi học Thầy lại giao bài tập đủ cho chúng tôi làm trong thời gian Thầy về Hà Nội. Chỉ có một điều tất cả các bài tập đều làm chay nghĩa là không có thực hiện trên máy. Điều đó cũng có cái hay là mình không ỷ lại vào chương trình dịch mà tự mình kiểm tra cú pháp chặt chẽ, cũng nhờ đó mà tôi có dịp đào sâu các câu lệnh của ngôn ngữ.

Và cũng nhờ “Lớp học một Thầy 3 Trò” đó mà tôi không chỉ nắm vững ngôn ngữ Fortran mà sau này tôi học các ngôn ngữ khác như Pascal, Basic cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Mối liên hệ của tôi với Thầy càng gần gũi hơn từ những ngày đó.

Có một dịp tôi về Hương Câu nơi sơ tán của khoa ở Hiệp Hòa vào buổi trưa, đang đứng ở ngoài sân của bếp ăn, Thầy đã gọi tôi. Thầy gọi vào và bảo cùng ăn cơm. Hôm ấy Thầy lấy thêm nhiều thức ăn, vừa ăn Thầy còn nói: Cứ ăn no đi, thiếu cơm tôi xin nhà bếp, tôi quen nhà bếp.

Không ngờ đó lại là lần gặp cuối cùng của tôi với Thầy, năm sau đó tôi không học Thầy, rồi tôi nhập ngũ…

Thầy và gia đình riêng

Khoảng năm 1970, Thầy mua được căn hộ ở khu tập thể Trương Định, ngôi nhà 2 tầng xây theo kiểu tổ chim xinh xắn. Căn hộ đó Thầy mua theo tiêu chuẩn Phó TS, trả trước một phần tiền sau đó có thể trả hết phần còn lại hoặc trả dần trong nhiều năm. Chúng tôi có đến chuyển nhà cho Thầy nhưng vị trí ngôi nhà thì cũng không còn nhớ chính xác.

Thầy vẫn sống một mình, buổi trưa mua 2 suất cơm (hồi ấy mỗi suất cơm kèm một nửa bánh mì), Thầy bỏ bánh mì vào túi đựng giáo án dùng cho bữa chiều. Nhiều người trong chúng tôi đã gặp Thầy với những bữa ăn như vậy.

Năm 1976 tôi về trường học lại thì Thầy đang làm Giám đốc Điện toán ở miền nam và cũng nghe tin Thầy xây dựng gia đình. Cũng từ ngày đó bên cạnh niềm vui đóng góp cho ngành Tin học, Thầy còn có niềm vui nơi gia đình nhỏ của mình. Một thời bẵng đi sau mới nghe tin năm 1986 Thầy đi làm chuyên gia ở Algeria. Lúc đầu sang Algeria Thầy dạy ở Batna sau đó chuyển về Oran. Lý do mà Thầy chuyển về Oran cũng vì gia đình. Năm 1988 Thầy được mời gia đình sang chơi, đó cũng là trường hợp hy hữu hồi đó. Rồi Thầy để vợ con Thầy ở lại luôn. Việc này tôi nghĩ cũng có thể do hoàn cảnh nào đó nhưng thiên về ý nghĩ đó là ý định của thầy mong muốn các con mình được tiếp thụ một nền giáo dục tiên tiến. Nơi Thầy dạy học ban đầu, Batna là một thành phố thuộc tỉnh cùng tên, thành phố lớn thứ 5 của Algerie. Có tuyết, quanh năm mát mẻ. Cao nhất vào tháng bảy 33 độ C, 17 độ C. Không lạnh lắm. Tháng giêng – 10 độ C, gần Tunisia. Nói chung là một thành phố lí tưởng để sinh sống ở đó nhưng duy nhất một điều ở đó không có trường tiếng Pháp. Con đầu Thầy đã phải học tiếng Ả Rập. Do vậy Thầy đã chuyển về Oran, một tỉnh nằm giáp bờ biển Địa trung hải, nơi đây có trường học tiếng Pháp.

Năm 1992 có sự cố ở Algerie, Thầy đưa cả gia đình sang Pháp. Những năm đầu ở Pháp gia đình Thầy cũng vất vả nhưng cũng nhờ có người vợ chịu thương chịu khó và các con ngoan nên gia đình cũng ổn định dần. Thầy có 3 người con Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Nguyệt Ánh, Nguyễn Sao Mai. Cả 3 đều tốt nghiệp hệ thống trường Grand Écoles, đó là những trường được xếp hạng đầu ở Pháp (Về phần này, lúc đầu tôi có viết Thu Hằng là GS, TS, Nguyệt Ánh là… đúng với học hàm học vị của họ. Nhưng sau có người góp ý: điều đó chưa đánh giá đúng được mức độ mà một người đạt được, việc người đó tốt nghiệp ở trường nào mới là quan trọng. Cũng như ở VN làm TIẾN SĨ tại Học viện HCQG với đề tài “Quản lí cách làm việc ở công sở” thì hầu hết ai cũng làm được, còn làm TỐT NGHIỆP Bách khoa với đề tài “Chống virus cho hệ thống mạng các trường Đại học” không phải ai cũng làm được).

Nguyễn Thu Hằng thỉnh thoảng có về VN làm việc với Viện Tin học Pháp ngữ (IFI), còn Sao Mai sau khi tốt nghiệp École Polytechnique đã sang Nhật học về tự động hóa, tháng 5 vừa rồi có về dự Robocon VN.

Sách của Thầy

Tôi cũng chưa có dịp thống kê đầy đủ các sách của Thầy nhưng các sách Tin học của Thầy khá nhiều. Những năm 1980 là thời kì sách Thầy xuất bản nhiều nhất. Một số cuốn Thầy viết chung với GS Hoàng Kiếm là học trò của Thầy. Từ đó đến nay các sách của Thầy về ngôn ngữ lập trình, trí tuệ nhân tạo vẫn tiếp tục tái bản.

Lời kết

Trước khi viết những dòng kết này tôi đã đọc được trên trang web của Khoa Khoa học máy tính (Department of Computer Science) thuộc trường Đại học Regina, Canada (University of Regina) nội dung một luận văn Master do Thầy hướng dẫn
1989:
Ingénieur d’État en Informatique à l’Université de Constantine, Algérie.
Titre du mémoire: Conception et réalisation d’une interface pour l’interrogation des bases de données en langage naturel.
Responsable: Prof Nguyen Ba Hao.

Trước đó tôi cũng đã nhận được tấm ảnh Thầy chụp ở Mĩ trong một dịp đi hội thảo.
Như vậy là trước khi mất con đường khoa học của Thầy bắt đầu mở rộng ra cả về nội dung cũng như địa bàn hoạt động.

Cuối cùng tôi muốn ghi lại đây nội dung trên bia mộ Thầy tại nghĩa trang Batignolles, 8 đường Saint Just, Paris 17:
Pr. NGUYỄN Bá Hào
01.02.1932 – 03.03.2001
Giáo sư – tiến sĩ tin học đầu tiên,
Người thành lập ngành tin học Việt Nam, sống quên mình tận tụy vì khoa học.
Bố, généreux, dévoué, tu te passionnais pour les sciences qui ont guidé ta vie et ne cesseront de guider des nôtres…

(Những dòng cuối của các con Thầy: Bố, rộng lượng, tận tâm, Niềm đam mê khoa học đã dẫn đường cho Bố và điều đó sẽ tiếp tục hướng dẫn cho chúng con …)

Nguyễn Đăng Hà – Lớp Toán khóa 13
hnguyendang@yahoo.com

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan