BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

NGƯỜI THỢ CỦA BIT & BYTE (1)

Thứ Hai 10, Tháng Sáu 2019bởi BTV

Trong hầm máy tính Odra-1304 tại Đồi Thông, Liễu Giai

“NĂM 1967 HÀ NỘI SẼ CÓ MÁY TÍNH ĐIỆN TỬ”

Sau 3 năm học cơ bản ở Khoa Toán Cơ, tôi và anh Nguyễn Chí Thành được phân vào học bộ môn “Bảo đảm toán học” cho máy tính điện tử. Đây là một chuyên môn mà sinh viên Xô viết cho là “không khoa học”. Thật ra học lập trình không khó nhưng lại cần tỷ mỷ và kiên trì. Chúng tôi băn khoăn về việc ứng dụng chuyên môn khi trong nước chưa có máy tính. Năm 1965 tôi tình cờ gặp cố Giáo sư Tạ Quang Bửu ở trường Đại học Lômônôxốp. Được biết tôi đang học lập trình, cố Giáo sư nói với tôi “khoảng năm 1967 các bạn Xô viết sẽ giúp chúng ta một máy tính điện tử loại trung”. Sau đó chúng tôi tìm hiểu và được biết đó là máy Minsk-22. Loại máy này được sản xuất ở thành phố Minsk thủ đô nước Cộng hòa Xô viết Belarus. Chúng tôi cũng tìm hiểu “bảo đảm toán học” cho Minsk. Chúng tôi háo hức chờ ngày tốt nghiệp về nước sử dụng máy tính điên tử.

ĐƠN VỊ ĐẶC THÙ VÀ CÔNG VIỆC ĐẶC THÙ

Ngày 24 tháng 5 năm 1968 Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước ký Quyết định thành lập Phòng Máy tính. Trong phần chú thích ghi rõ: Tên dùng công khai là Phòng Toán học tính toán. Tên thật chỉ được dùng trong giao dịch tuyệt mật.

TS Nguyễn Lãm nhận trách nhiệm Trưởng phòng đầu tiên. TS Nguyễn Lãm thời gian đó là Đặc phái viên của Bộ Quốc phòng sang Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Sau một thời gian làm việc ở Phòng Máy tính, TS Nguyễn Lãm được điều về Bộ Quốc phòng. Từ đó cố TS Khoa học Phan Đình Diệu đảm nhận trách nhiệm Trưởng phòng Máy tính.

Nhân sự của Phòng Máy tính bao gồm nhiều chuyên môn khác nhau. Thành viên chủ yếu là các kỹ sư điện tử và cơ khí. Các kỹ thuật viên điện tử và cơ khí cũng là những thành viên quan trọng của Phòng Máy tính. Các kỹ sư và kỹ thuật viên chịu trách nhiệm vận hành máy. Hỗ trợ cho công việc khai thác máy tính là những người tốt nghiệp đại học về lập trình và phương pháp tính. Phục vụ cho khai thác máy tính còn có đội ngũ chuẩn bị số liệu. Sau này trên máy ODRA-1304 có thêm operator. Một phần trong số operator sau này được đào tạo thành lập trình viên.

Trong thời gian bộ phận kỹ thuật tiến hành lắp đặt máy, bộ phận phần mềm mở các lớp học về lập trình. Phòng Máy tính tiếp nhận yêu cầu tính toán của tất cả cơ quan trường học. Tồn tại ba hình thức khai thác máy tính:

  • Khách hàng tự lập trình, phòng MT chỉ chuẩn hoá chương trình và số liệu và phân phối giờ máy.
  • Khách hàng kết hợp với bộ phận phần mềm giải quyết bài toán đến kết quả cuối cùng.
  • Phòng MT lập trình và cùng với khách hàng phân tích kết quả để hoàn thành công việc.

Thủ tục để khách hàng đến sử dụng máy tính rất đơn giản: công văn của cơ quan, giấy giới thiệu của trường hoặc của khoa đối với sinh viên làm luận văn. Tất cả các hình thức khách hàng được phục vụ đều được bao cấp.

Rất nhiều kỹ sư xây dựng đến với máy tính vỉ thời gian đó có nhiều kỹ sư đã từng sử dụng máy tính ở nước ngoài. Máy tính đã thay việc rút thước tính nhàm chán của kỹ sư xây dựng trong các phương án thiết kế.

Ngành khí tượng thủy văn cũng hào hứng đến với máy tính. Các anh ở Ủy ban Sông Hồng giải quyết các bài toán giòng chảy, Các nhà nghiên cứu ở Nha khí tượng tính toán các bài toán dự báo. Giảng viên các trường đại học Tổng hợp, Bách khoa cũng học lập trình và sau đó hướng dẫn sinh viên sử dụng máy tính làm luận văn.

Các đề tài nghiên cứu và luận án tiến sỹ có sử dụng máy tính đều được đánh giá cao.

Cùng với nhiệm vụ vận hành máy, phòng Máy tính thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và ứng dụng. Tôi kết hợp với Cục Đo lường – Tiêu chuẩn tính tiêu chuẩn kích cỡ may mặc. Do được tính trên máy nên lần đầu tiên công việc điều tra đã tiến hành với số liệu lớn. Các số chuẩn nhận được từ số đo của nhiều thành phần từ nông thôn đến thành thị nên rất có giá trị.

Cố TSKH Phan Đình Diệu dẫn đầu tổ đến công tác ở Nhà máy Cơ khí Trung quy mô. Tôi tính giá thành của các máy công cụ và bài toán lập thời gian biểu cho các công đoạn sản xuất các chi tiết của máy công cụ.

Công việc khó khăn và có giá trị nhất là điều tra dân số. Nắm vững khả năng, tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm của nhân viên trong phòng, cố TSKH Phan Đình Diệu đã nhận trách nhiệm của Chính phủ thực hiện điều tra dân số trên máy tính ODRA-1304. Cố TSKH nói với nhân viên trong phòng “Chúng ta đã cưỡi trên lưng hổ”. Chính phủ đã cho thêm kinh phí để bổ sung các thiết bị ngoại vi: máy đục bìa, máy nhập bìa, tủ đọc băng từ và băng từ.

Kế hoạch đã được lập ra: TS Trịnh Quang Khuynh và Kỹ sư Nguyễn Chí Thành thiết kế hệ thống chương trình bao gồm mẫu biểu điều tra, chỉnh lý số liệu và các biểu in. Tất cả cán bộ nghiên cứu về lập trình và phương pháp tính đều phải viết chương trình. Một số tác giả test chương trình riêng biệt thì đúng nhưng khi ghép vào hệ thống thì tắc nghẽn. Một số tác giả sau một vài lần chỉnh thì chương trình của mình khớp với hệ thống. Nhưng một vài tác giả đã không chỉnh được chương trình của mình cho khớp với hệ thống. Thời gian không cho phép chờ đợi, anh Thành phải tự đưa các chương trình này vào hệ thống.

Sau khi đã có một hệ chương trình hoàn chỉnh, anh Thành được giao điều hành công việc chuẩn bị số liệu và in biểu. Trong quá trình hoàn thành in hàng trăm biểu thống kê, anh Thành phải hoàn thiện các chương trình nhập và tự động phát hiện sai của số liệu. Anh Thành đã góp công lớn cho “chiến dịch”.

Theo gợi ý của nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật, tôi cùng anh Chí Thành và anh Đức Tích viết cuốn sách “Lập trình cho máy tính điện tử Minsk-22”. Chúng tôi rất vui khi nhìn thấy cuốn sách được in typo rất đẹp: cuốn sách về máy tính điện tử đầu tiên được in typo trên miền Bắc. Tháng 5 năm 1975 tôi tham gia đoàn của Chính phủ vào miền Nam tiếp quản máy tính. Thời gian đó chính quyền Sài gòn đã được Mỹ trang bị các dàn máy IBM 360, IBM 370. Máy tính ở miền Nam thời đó đều dùng trong quản lý. Máy đặt ở Tân Sơn Nhất dùng trong quản lý vũ khí theo tiêu chuẩn của Mỹ. Máy đặt ở Phủ Tổng thống dùng trong quản lý nhân sự.

Ngày nay khi sử dụng máy tính cá nhân chúng ta không lo lắng mấy về kỹ thuật. Nhưng các kỹ sư phòng Máy tính đã gặp nhiều khó khăn khi vận hành máy Minsk-22. Không chỉ vận hành và sửa chữa máy, đội ngũ kỹ thuật còn phải tìm nguồn cung cấp vật tư. Tôi còn nhớ cố kỹ sư trưởng Lê Minh Thanh đến nhà máy in mua những cuộn giấy thừa và dùng cưa tay tạo ra những cuộn giấy cho máy in. Sau này khi đọc tài liệu của Tổng cục Bản đồ tôi đã gặp giòng ghi chú: ”Giòng số liệu này là nội suy vì kết quả in trên máy tính bị mờ”.

Thái độ và tinh thần phục vụ tuyệt vời của đội ngũ kỹ thuật phòng Máy tính đã để lại trong ký ức người sử dụng những ấn tượng không bao giờ quên. Chúng ta, những người sử dụng máy tính thời ấy luôn luôn ghi nhớ những đóng góp to lớn của đội ngũ kỹ thuật cho sự tồn tại của máy tính điện tử.

Tôi được giao phụ trách tổ khai thác. Nhiệm vụ của tổ là tiếp nhận yêu cầu sử dụng máy và giải đáp những lỗi trong chương trình. Nhiệm vụ khó khăn nhất là phải làm trọng tài cho “máy” và người lập trình, trọng tài cho hai khách hàng: đến giờ rồi mà người trước chưa ra, vào phòng máy xem đồng hồ thì chưa hết giờ thật nhưng người đang ngồi trên máy đã vặn ngược kim đồng hồ vì kết quả in chưa xong. Tổ trưởng lương cao nhất nhưng thu nhập thấp nhất, mỗi tháng chỉ được 13 kg gạo còn tổ viên 21 kg, tổ trưởng được 3 lạng thịt còn tổ viên 1 kg, tổ trưởng chỉ được 5 lạng đường còn tổ viên 1,2 kg…

Để kết thúc những câu chuyện về máy tính lớn, tôi kể cho các bạn những mối tình được “máy tính MINSK-22 chứng kiến” trong tòa nhà 39 Trần Hưng Đạo. Để đáp ứng nhu cầu tính toán, các kỹ sư phải vận hành máy suốt 3 ca. Công việc chuẩn bị số liệu đều do phái nữ trẻ đẹp đảm nhận. Nhiều kỹ sư trẻ đã đến với phòng máy tính. Kỹ sư xây dựng Long tán đổ nhân viên chuẩn bị số liệu xinh đẹp Đào Việt Vinh. Anh kỹ sư điện tử Trần Chiến trực máy tính tầng 1, chị Trân trực máy phòng thời gian ở tầng 2. Đôi vợt bóng bàn đã đưa hai người đến với nhau. Kỹ sư điện tử Lê Hùng được Tổng cục khí tượng gửi đến thực tập để chuẩn bị nhận máy MINSK-32. Kỹ sư Lê Hùng cũng phải trực ca 3. Chị Hương Nhu, cán bộ của Viện Cơ, thường xuyên có giờ máy, kể cả ca 3. Tình yêu của hai người đã được bàn phím máy tính MINSK-22 hỗ trợ. Sau này trong những dịp vui hay buồn của phòng máy tính anh Hùng đều có mặt. Hình như mỗi lần gặp lại các bạn cũ của phòng máy anh Hùng nhớ lại những ngày tươi đẹp khi anh làm quen với người bạn đời hoàn hảo. Chi Tạ Quỳnh Giao “làm mối” em Liên xinh nhất và trẻ nhất phòng cho cậu em trai của mình. Mọi người trong phòng đều rất đồng tình với lý do Phòng Máy tính “tặng” cho cố Giáo sư Tạ Quang Bửu, một trong những người đã tạo nên phòng Máy tính, một người con dâu hoàn hảo.

Nguyễn Văn Kỷ
Trích sách “Nửa thế kỷ công nghệ thông tin Việt Nam, dấu ấn người lính”
(còn tiếp)

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan