BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Một số sự kiện CNTT thế kỷ XIX

Một số sự kiện CNTT thế kỷ XIX

Thứ Năm 8, Tháng Chín 2022bởi Cong_Chi_Nguyen

Năm 1801

Joseph Marie Jacquard, một thương gia và kỹ sư người Pháp đã phát minh kiểu khung cửi sử dụng các thẻ gỗ đục lỗ để tự động dệt theo các mẫu thiết kế vải. Sau này các máy tính thế hệ ban đầu sẽ sử dụng các loại bìa đục lỗ tương tự để chứa chương trình và dữ liệu.

Năm 1821

Nhà toán học người Anh Charles Babbage (1791-1871) đã thiết kế một cỗ máy chạy bằng hơi nước có thể tự động tính toán các bảng số. Được tài trợ bởi chính phủ Anh, dự án được gọi là “Difference Engine” cuối cùng đã bị dừng. Theo Đại học Minnesota nguyên nhân thất bại là do “thiếu một công nghệ phù hợp vào thời điểm đó”. Chiếc máy tính Babbage hoàn chỉnh đầu tiên được phục chế tại London vào năm 2002 và gọi là Difference Engine số 2. Nó được xây dựng trung thực với bản vẽ ban đầu, bao gồm 8.000 bộ phận, nặng 5 tấn và dài 335 cm.

Bộ phận in trong “Analytical Engine”

Từ năm 1833 cho đến khi chết vào năm 1871 Charles Babbage đã tập trung vào thiết kế máy “Analytical Engine” có cả bộ phận in và bộ nhớ trong sử dụng bìa đục lỗ, mặc dù ông chưa kịp hoàn thành nó.

Năm 1848

Con gái của nhà thơ Lord Byron là Ada Lovelace, một nhà toán học người Anh, đã viết chương trình máy tính đầu tiên trên thế giới. Theo Anna Siffert, giáo sư toán tại Đại học Münster ở Đức thì Cô Ada đã lập trình khi dịch một bài báo về máy tính “Analytical Engine” của ông Charles Babbage từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Cô cũng đưa ra nhận xét của riêng mình về văn bản. Các chú thích của cô ấy, được gọi đơn giản là “ghi chú”, hóa ra dài gấp ba lần bản ghi thực tế. Ada cũng bổ sung thêm mô tả từng bước để tính toán các số Bernoulli bằng máy của Babbage. Về cơ bản đó là một thuật toán và trên thực tế nó đã biến cô ấy trở thành lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới. (Số Bernoulli là một dãy số hữu tỉ thường được sử dụng trong tính toán).

Máy tính biết in của G.Scheutz

Năm 1853

Nhà phát minh người Thụy Điển Per Georg Scheutz và con trai ông là Edvard Scheutz đã thiết kế chiếc máy tính biết in ấn đầu tiên trên thế giới. Theo cuốn sách “Georg Scheutz and the First Printing Calculator” của Uta C. Merzbach, (NXB Smithsonian Institution Press, 1977), thiết kế này có ý nghĩa quan trọng vì là chiếc máy tính đầu tiên “biết tính toán sự khác biệt ở dạng bảng và in ra kết quả”.

Máy lập bảng của H.Hollerith

Năm 1890

Herman Hollerith đã thiết kế Tabulator – một hệ thống máy lập bảng với bìa đục lỗ để giúp tính toán Tổng Điều tra dân số Mỹ năm 1890. Theo Đại học Columbia, chiếc máy này giúp tiết kiệm cho người đóng thuế Mỹ khoảng 5 triệu đô la và bớt cho chính phủ vài năm tính toán; sau đó Hollerith đã thành lập một công ty mà cuối cùng sẽ trở thành tập đoàn đa quốc gia IBM (International Business Machines Corporation).

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan