Skip to content

Một số sự kiện CNTT giai đoạn 1931-1949

Thứ Năm 8, Tháng Chín 2022bởi Cong_Chi_Nguyen

Năm 1931

Tại Massachusetts Institute of Technology (MIT, Học viện Công nghệ Massachusetts), nhà phát minh Vannevar Bush (ảnh trên) đã chế tạo ra Differential Analyzer (Máy phân tích vi sai). Theo Đại học Stanford, đó là một máy tính Analog cơ học đầu tiên có khả năng tính toán tự động và đa năng ở quy mô lớn.

Năm 1936

Alan Turing

Nhà toán học người Anh trẻ tuổi Alan Turing trình bày nguyên lý của một máy tính vạn năng có khả năng tính toán bất cứ thứ gì có thể tính toán được, sau này được gọi là máy Turing. Khái niệm cốt lõi của các máy tính hiện đại đều dựa trên ý tưởng của Turing. Sau đó ông tham gia vào việc phát triển Turing-Welchman Bombe, một thiết bị cơ điện được thiết kế để giải mã các bức điện mật của nước Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Năm 1966 tên ông được đặt cho Turing Award là giải thưởng hàng năm của ACM (Hội Máy tính) và trị giá 1 triệu USD từ năm 2014.

Năm 1937

John Vincent Atanasoff, một giáo sư vật lý và toán học tại Đại học bang Iowa, đã đệ trình đề xuất xin tài trợ chế tạo chiếc máy tính đầu tiên chỉ chạy bằng năng lượng điện, không sử dụng bánh răng, cam, dây cu-roa hoặc trục.

Năm 1939

David Packard và Bill Hewlett thành lập Công ty Hewlett Packard ở thành phố Palo Alto, California. Hai chàng này quyết định chọn tên cho công ty mới bằng cách tung một đồng xu và trụ sở đầu tiên của Hewlett-Packard nằm trong nhà để xe của Packard.

“Nơi khai sinh của Thung lũng Silicon”

Nhà để xe, nơi khởi nghiệp của Cty Hewlett Packard, Palo Alto, California. (Nguồn ảnh: Getty / David Paul Morris).

Năm 1941

Nhà phát minh và kỹ sư người Đức Konrad Zuse đã hoàn thành chiếc máy Z3 của mình, chiếc máy tính kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Z3 bị không quân Đồng minh phá hủy trong một cuộc ném bom vào Berlin trong Thế chiến thứ hai. Zuse bỏ nước Đức trốn sang Thuỵ Sĩ sau khi phát xít Đức bị đánh bại. Vào năm 1950 ông đã hoàn thành Z4 – chiếc máy tính kỹ thuật số thương mại đầu tiên trên thế giới. (Nguồn: cuốn sách “Lược sử máy tính” của Gerard O’Regan (NXB Springer, 2021).

J.Atanasoff và máy tính ABC

Năm 1941

J.Atanasoff và nghiên cứu sinh Clifford Berry đã thiết kế máy tính điện tử kỹ thuật số đầu tiên ở Mỹ, sử dụng ống chân không tức đèn điện tử. Nó được gọi là Atanasoff-Berry Computer (ABC). Đây là máy tính đầu tiên có thể lưu trữ thông tin trên bộ nhớ chính và có khả năng thực hiện được một thao tác trong mỗi 15 giây. (Nguồn: cuốn sách “Birthing the Computer”, NXB Cambridge Scholars Publishing, 2016).

Năm 1945

Hai giáo sư tại Đại học Pennsylvania là John Mauchly và J. Presper Eckert đã thiết kế và chế tạo Electronic Numerical Integrator and Calculator (ENIAC). Cỗ máy này là “máy tính số thập phân, tự động, đa năng và điện tử” đầu tiên của thế giới. (Nguồn: cuốn sách “Milestones in Computer Science and Information Technology” (NXB Greenwood Press, 2003).

Máy tính ENIAC

Các thao tác viên máy ENIAC lập trình bằng cách cắm, rút cáp và điều chỉnh công tắc (Nguồn ảnh: Getty / Historical)

Năm 1946

J.Mauchly và J. Presper Eckert rời khỏi Đại học Pennsylvania. Họ nhận tài trợ từ Census Bureau (Văn phòng điều tra dân số) để xây dựng UNIVAC, máy tính thương mại đầu tiên dành cho các ứng dụng trong doanh nghiệp và chính phủ.

Năm 1947

William Shockley, John Bardeen và Walter Brattain của Bell Laboratories (Phòng thí nghiệm Bell, thuộc tập đoàn viễn thông AT&T) đã phát minh bóng bán dẫn transistor là một công tắc điện làm bằng vật liệu chất rắn và không cần ống chân không. Nhờ đó sau này họ đoạt giải Nobel vật lý.

Năm 1949

  • Maurice Wilkes và một nhóm nghiên cứu tại Đại học Cambridge đã phát triển Electronic Delay Storage Automatic Calculator (EDSAC, “Máy tính Điện tử Tự động với Bộ nhớ bằng Độ trễ”). O’Regan viết: “Đây là máy tính đầu tiên có chương trình được lưu trữ trong thực tiễn”… “EDSAC chạy chương trình đầu tiên của mình vào tháng 5 năm 1949 khi tính toán một bảng các căn số và một danh sách các số nguyên tố”. Năm 1967 Wilkes nhận giải thưởng Turing.
  • Tháng 11-1949, các nhà khoa học thuộc Council of Scientific and Industrial Research (CSIR, “Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp”, nay được gọi là CSIRO), đã chế tạo máy tính kỹ thuật số tự động đầu tiên của Úc có tên là CSIRAC. Theo O’Regan, CSIRAC là máy tính kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới có thể chơi nhạc.
Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan