Skip to content

Một số sách tin học tiếng Việt thủa ban đầu

Thứ Năm 25, Tháng Tám 2022bởi Cong_Chi_Nguyen

Năm 1972 tôi tốt nghiệp kỹ sư Máy tính trường Đại học Bách khoa Praha, Tiệp Khắc. Sau khi thực tập tại Nhà máy Aritma, tôi trở về Hà Nội và vào làm việc tại Phòng Máy tính thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Cả miền Bắc Việt Nam hồi 1968-1973 chỉ có mỗi một máy tính 37 bit Minsk-22 của Liên Xô (cũ) đặt tại đó. Và chỉ có khoảng trăm người làm tin học mà xuất thân hầu hết lại từ ngành toán học hoặc điện tử.

Thời ấy số đầu sách và tạp chí tin học ít ỏi mà tôi tìm được tại cơ quan hoặc Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương đều của nước ngoài, chủ yếu dưới dạng photocopy từ bản gốc bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Tôi thấy có vài tài liệu hiếm hoi do tác giả người Việt soạn bằng tiếng Việt nhưng đều ở dạng preprint. Mấy cuốn được xuất bản thì là loại sách dịch.

1975: About computers, 1977: About pattern recognition. Photo ©NCCong 2021 VMIT

Thế nhưng sau đó trong vòng chưa đầy 20 năm số đầu sách tin học in bằng tiếng Việt đã tăng lên hàng chục lần. Dưới đây là một số hiện vật tiêu biểu liên quan đến thủa ban đầu của tin học Việt Nam và đang trưng bày tại Bảo tàng CNTT.

  • Năm 1975 sách “Tìm hiểu máy tính điện tử” của Nguyễn Bá Hào và Hoàng Kiếm được NXB Khoa học và Kỹ thuật ấn hành tại Hà Nội. Sách gồm 148 trang khổ 13x19cm. Số XB: 33-75/KHKT. Số in 739. Số lượng in 6.100 cuốn, xong ngày 25-9-1975. Gửi lưu chiểu tháng 9-1975. Giá: 0đ45.
  • Năm 1977 sách “Tìm hiểu về nhận dạng” của Hoàng Kiếm được NXB Khoa học và Kỹ thuật ấn hành tại Hà Nội. Sách gồm 144 trang khổ 12x19cm. Số XB: 05-77/KHKT. Số in 52/77. Số lượng 10.100 cuốn, in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 3-1977. Giá Miền Bắc: 0đ45. Giá Miền Nam: 0đ37.
  • Năm 1978 sách “Máy tính điện tử” của V. Đêghe do Nguyễn Thanh Việt dịch, được NXB Khoa học và Kỹ thuật ấn hành tại Hà Nội. Sách gồm 260 trang khổ 14,5x21cm. Số XB: 46/78/KHKT. Số lượng in 15.200 cuốn, in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 2-1978. Giá Miền Bắc: 1đ35. Giá Miền Nam: 1đ08.
1983: Microprocessor Techniques. Photo ©NCCong 2021 VMIT
  • Năm 1983 sách “Kỹ thuật Vi xử lý” của Nguyễn Chí Công, Nguyễn Gia Hiểu, Đặng Văn Đức, Phí Mạnh Lợi, Nghiêm Mỹ, Trần Bá Thái, Nguyễn Chí Thức được NXB Thống kê ấn hành tại Hà Nội. Sách gồm 628 trang khổ 13x19cm. Số XB: 16. Số in 62. Số lượng in 4.000 cuốn, xong ngày 30-11-1983. Gửi lưu chiểu tháng 12-1983. Giá: 13đ00.
  • Năm 1986 sách “Lập chương trình hệ thống” của N. Wirth do Phạm Ngọc Khôi dịch, được NXB Khoa học và Kỹ thuật ấn hành tại Hà Nội. Sách gồm 182 trang khổ 13x19cm. Số XB: 05. Số in 09. Số lượng in 4.100 cuốn, in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 2-1986. Giá: 5đ50.
  • Năm 1986 sách “Nhập môn các hệ cơ sở dữ liệu” của C.J. Date do Hồ Thuần, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Xuân Huy dịch, được NXB Thống kê ấn hành tại Hà Nội. Sách tập I gồm 300 trang khổ 13x19cm. Số XB: 2/TK. Số in 428. Số lượng in 3.000 cuốn, in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 2-1985. Giá: 8đ00.
  • Năm 1989 sách “Hệ điều hành của máy tính điện tử” của Vũ Duy Mẫn được NXB Khoa học và Kỹ thuật ấn hành tại Hà Nội. Sách gồm 144 trang khổ 13x19cm. Số XB: 11/89. Số in 49/T2. Số lượng in 1000 cuốn, in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 7-1989.
1990: First IT schoolbook of Vietnam. Photo ©NCCong 2021 VMIT
  • Năm 1990 sách “Tin học phổ thông” của Nguyễn Chí Công, Nguyễn Hoài Phương, Quách Tuấn Ngọc, Bùi thị Hồng Liên được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam ấn hành. Sách gồm 170 trang khổ 15x21cm.
  • Năm 1991 sách “Nhập môn lập trình” của Viện sĩ J.Arsac do Nguyễn Chí Công, Đinh Văn Phong, Trần Ngọc Trí, Trần Hải Âu dịch được Trung tâm Hệ thống Thông tin ISC ấn hành. Sách gồm 360 trang khổ 13x19cm.
1991: Introduction to Programming. Photo ©NCCong 2021 VMIT

Năm 1991 giáo sư Vũ Đình Cự, Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (NACENTECH) thành lập Trung tâm Hệ thống Thông tin ISC. Tôi chính thức chuyển từ Viện Khoa học Việt Nam sang làm giám đốc ISC. Một trong những việc đầu tiên tôi thấy cần làm ngay là mở các khoá ngắn hạn đào tạo người làm tin học để có thể nhanh chóng triển khai các hướng nghiên cứu lớn của ISC như xây dựng các hệ thống mạng diện rộng, xử lý chữ Việt và chế bản cao cấp bằng máy tính.

Nhân dịp qua Paris công tác tôi có đến nhà riêng của một bậc tiền bối nổi tiếng thế giới là Viện sĩ thông tấn Jacques Arsac. Ông đã tặng tôi một số cuốn sách của mình về tin học, hơn nữa còn cho phép dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Cảm ơn Viện sĩ J. Arsac vô cùng. Thời ấy Việt Nam đang còn ở dưới đáy cuộc khủng hoảng kinh tế. Đa số người lao động đều ăn không no, mặc không ấm, thiếu điện, thiếu xăng, thiếu mọi thứ nhu yếu phẩm. Chỉ cần nhìn chất lượng giấy in sách cũng có thể hình dung ra hoàn cảnh của chúng tôi. Thế mà vài ba người chỉ cần 2 tháng là đã dịch và in xong 1 cuốn sách. Kỳ lạ hơn nữa là sách tiêu thụ rất nhanh, dân ta quả là ham học hỏi cái mới.


Trích Hồi ký của Nguyễn Chí Công

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan