BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

MÁY TÍNH SỐ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

Thứ Ba 21, Tháng Giêng 2020bởi BTV

Hôm vừa rồi cơ quan tôi, Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam họp mặt những người cán bộ hưu trí. Thật là vui khi mỗi năm chúng tôi gặp nhau một lần. Chúng tôi phần lớn làm việc cùng nhau cách nay 50, hơn 50 năm. Tuy lâu như vậy nhưng không hiểu sao, mọi người vẫn nhớ nhau như thủa ngày xưa.

Người ngồi bìa trái là TS Nguyễn Gia Hiểu

Hồi đó là cuối năm 1973, nghe nói có TSKH Nguyễn Thúc Loan mới về nước được Nhà nước cho thành lâp Ban Điều khiển học, tìm hiểu thấy có phần kỹ thuật, tôi liền đến xin vào làm. Cơ quan đặt tạm ở Kim Liên. Người thủ trưởng đầu tiên của tôi là Nguyễn Gia Hiểu, TS về kỹ thuật số ở Hungary về, anh phụ trách mảng kỹ thuật của Ban điều khiển. Mảng này chia làm 2 nhóm: máy tính số và máy tính tương tự. Tôi ở nhóm máy tính tương tự.

Dạo đó, do anh Loan học ở Liên xô (cũ) về nên đám người về Ban điều khiển phần lớn cũng học ở LX. Đó là những sinh viên mới tốt nghiệp, học giỏi, phần lớn là bằng đỏ và rất mong muốn được góp phần xây dựng đất nước và có đủ các ngành nghề khác nhau.

Riêng kỹ thuật chúng tôi được thủ trưởng đưa cho 2 quyển sách về máy tính số và máy tính tương tự, có đủ sơ đồ chi tiết, cứ theo đó mà làm. Nhớ lại những năm cuối 1973 sang đầu 1974, các IC (vi mạch) cũng chưa phát triển lắm, VN lại bị Mỹ cấm vận, nên chúng tôi ai có linh kiện gì thì mang ra dùng và thiếu thì ra chợ Giời mua. Hồi đó VN cũng chưa hề có nơi nào làm mạch in nên chúng tôi phải tự nghĩ ra sáng kiến thực hiện mỗi chức năng bằng một mô đun, máy tương tự làm 30 chức năng thì thực hiện 30 modul.

Chúng tôi lấy tấm Bakelit cắt những miếng bằng nhau, xếp linh kiện lên trên và nối bằng dây điện thông thường… Bên máy tính số mới vất vả, ví dụ muốn làm bộ đếm, phải dùng nhiều IC đơn giản như mạch AND, mạch OR… nối lại. Thế là các modul nhiều vô kể, để đầy bàn, đầy ghế. Tuy vậy ai cũng hồ hởi tích cực làm việc và sống rất vui vẻ. Đến ngày lễ, ví dụ Tết Trung Thu, mọi người hay kéo nhau lên sân thượng nhà bố mẹ tôi ở Hàng Bồ để liên hoan ca hát, ăn hoa quả. Do có nhiều bạn học ở Nga về, đến ngày nay tôi vẫn rất yêu thích các bài hát của Nga.

Bỗng một hôm, anh Hiểu được lệnh mang “Máy tính số” lên giới thiệu với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mặc dù chúng tôi đang làm dở dang, cũng chưa biết có chạy hay không, vì vẫn chưa xong khâu hàn chân đế và chưa xin được tiền mua linh kiện? Anh Hiểu cùng vài anh em nữa phải cho tất cả vào 2-3 ngăn kéo bàn để mang đi, họ đi bằng gì thì tôi cũng không rõ (chắc là phải chở bằng xích lô). Anh Hiểu về nói lại là Thủ tướng rất khen ngợi tinh thần làm việc của mọi người nhất là trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại và cũng nói sẽ có chủ trương chính sách cụ thể để phát triển KH, KT.

Chúng tôi phấn khởi lắm, một thời gian ngắn sau thì được sắp xếp phòng làm việc ở Kim Liên. (lúc đầu ngồi tạm ở tầng áp mái trụ sở UBKH&KTNN tại 39 Trần Hưng Đạo), rồi còn được chia 10 căn hộ nhà ở cho các sếp là TS trở lên và lời hứa sẽ chấn chỉnh, tổ chức lại để KH&KT có điều kiện phát triển hơn. Thật là tín hiệu đáng mừng.

Lúc này thì máy tương tự đã làm xong, chúng tôi mang vào nhà máy sản xuất Ôtô 3-2 để thí nghiệm dùng thử. Nhưng đầu việc nhà máy quá nhiều, mà khả năng máy quá yếu để tính toán, dù máy vẫn hoạt động tốt. Trên thế giới lúc đó do xã hội phát triển các nhà máy, xí nghiệp đều lớn dần thì máy tương tự cũng bị đào thải dần. Ban điều khiển học bèn chuyển sang hướng mới: tập trung làm về Tự động hóa Công nghiệp và Nông nghiệp.

Trước khi Ban điều khiển học ra đời đã có Phòng Máy tính của TSKH Phan Đình Diệu, nay cũng đang chờ ổn định tổ chức, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp và nói chuyện với Nguyễn Chí Công ở đó. Câu chuyện xảy ra lâu lắm rồi. Nếu có chỗ tôi nhớ không chính xác thì xin các bạn bỏ qua.

VT81 với Nguyễn Chí Công, Phan Minh Tân. Liễu Giai 1979

Trong quá trình chờ đợi, chúng tôi đi làm Tự động hóa trong Nông nghiệp và Công nghiệp. Thực ra đây là học theo mô hình của Liên xô thời bấy giờ. Nhưng nước họ đã phát triển hơn ta nhiều. Bấy giờ những người nông dân quen làm ăn nhỏ lẻ, tùy tiện phải đi làm theo giờ như nông trang rồi ghi công chấm điểm, quả là khó. Tôi và Kiều Oanh phải mang máy tương tự về Thanh Oai và ở đó canh chừng. Còn những người khác, kể cả tiến sĩ cũng phải ra đồng để kiểm tra nông dân và cả trâu bò đi làm cho đúng giờ. Kéo dài một thời gian, chúng tôi làm bà con nông dân bị xáo trộn và không yên tâm làm ăn được.

Rồi có quyết định thành lập Viện KH VN, tiền thân của Viện Hàn lâm KH và CN VN hiện nay. Ban Điều khiển học kết hợp với Phòng Máy tính thành Viện KH tính toán và Điều khiển học, do anh Phan Đình Diệu làm viện trưởng. Tôi ở phòng Kỹ thuật số vẫn do Anh Nguyễn Gia Hiểu làm trưởng phòng và anh Nguyễn Chí Công làm phó phòng. Chúng tôi rất quí mến anh Hiểu vì anh rất hiền từ nhân hậu, lại có đủ chuyên môn để lãnh đạo chúng tôi, toàn những người ở nước ngoài về.

Ở đây chúng tôi lại được làm máy tính gọi là máy vi tính do Alain một kỹ sư người Pháp và Hội của ông là “UB vì sự hợp tác KH&KT với VN” giúp đỡ. Nhưng giờ đây các vi mạch trên thế giới đã tích hợp lớn hơn nhiều. CPU chúng tôi dùng thuộc họ 8-bit của Intel. Đặc biệt chúng tôi được ông Alian giúp đỡ rất tận tình, thậm chí cả những sơ đồ cụ thể để chúng tôi học tập, rút kinh nghiệm. Sau một thời gian thì chúng tôi đã tự thiết kế, xây dựng được các máy tính riêng và mang đi làm các hợp đồng. Nhóm tôi có Vũ Duy Lợi, Nghiêm Mỹ và tôi, về sau còn được Đoàn TN CS HCM tặng bằng khen về Bàn phím, Màn hình và Máy in chữ Việt đầu tiên của Việt Nam. Rồi tôi được phân công về nhóm làm ứng dụng máy vi tính trong Tự động hóa, là nhóm do TS Nguyễn Văn Tam phụ trách.

Tới thời điểm đó, VN vẫn chưa đâu làm được mạch in nghiêm chỉnh, dù đó mới chỉ là loại 2 lớp. (Ngày nay mạch in ở máy tính có rất nhiều lớp). Chúng tôi thường phải dùng đế IC có chân dài, rồi quấn dây. Vỏ hộp cũng phải ra phố Hàng Thiếc, Lò Rèn để thuê người ta làm, cốt sao đựng được. Còn không hề tính toán: chống nhiễu, độ tỏa nhiệt, sức chịu đựng về cơ khí, và rung xóc, nóng ẩm v.v…Vậy nên các máy tính chúng tôi làm ra chỉ chủ yếu để học, để nghiên cứu.

Nhóm ứng dụng trong Tự động hóa cũng làm được một số hợp đồng, chủ yếu với bên quân sự. Tới thời điểm đó, chúng tôi vẫn dựa trên ngôn ngữ máy để lập trình các ứng dụng. Tôi nhớ nhất là hợp đồng với bên Ban bảo vệ lăng Bác, “thu thập tính toán và hiển thị số liệu nhiệt độ, độ ẩm của phòng có Bác, hiển thị giá trị quá ngưỡng bằng đèn 7 segment, loa, lưu trữ để làm báo cáo từng ngày…”. Mới vào làm được một thời gian ngắn thì anh Tam được lệnh sang Pháp thực tập một năm. Thế là một mình tôi loay hoay, rồi cũng gần xong, thì bên BBV LB lại muốn hiển thị lên màn hình của Nga cho dễ theo dõi tổng thể. Tôi đề nghị cho thêm người. Vừa lúc đó có Đỗ Đình Phú ở Hung về được phân công cùng làm với tôi một card chuyển đổi để đưa số liệu từ máy tính ra màn hình của Nga. Rồi mọi việc hoàn chỉnh. Sau khi chúng tôi bàn giao, bên BBV LB tặng cho Viện chúng tôi 5 cái màn hình Nga. Lưu ý là hồi đó, không cơ quan nào có tiền cả, dù khi kí HĐ cũng ghi giá trị là bao nhiêu tiền, rất hoành tráng. Đây là HĐ duy nhất có cái mang về cho Viện.

Sau một thời gian các cơ quan đều mua các máy tính PC của nước ngoài để dùng, để học, và nghiên cứu, bởi chúng vừa rẻ, vừa đẹp, vừa bền. Chúng tôi cũng lần lượt chuyển sang các lĩnh vực khác, ứng dụng máy tính trong đủ các lĩnh vực, nhất là trong quản lý. Dù sao trong thời gian ậ́y tôi cũng đã sống và làm việc rất vui, đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức mới về CNTT. Mỗi người trong chúng tôi đều tự xác định cho mình một hướng đi yêu thích, phù hợp, và CNTT là một kiến thức vô giá, giúp tôi trưởng thành và đi tiếp con đường mà tôi đã chọn: Kỹ thuật tự động hóa.

KS Phan Minh Tân

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan