BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

LIỆU NGƯỜI MÁY CÓ VƯỢT TRỘI CON NGƯỜI (2)

2. TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Trí tuệ nhân tạo (AI) gồm 3 cấp độ:

  • Cấp độ 1: ANI (Artificial Neural Inteligence, hay là Deep Learning). Thời điểm kết thúc phát triển là khoảng năm 2016. Đặc trưng của ANI là xử lý thông tin chỉ trong một lĩnh vực. Đại diện là máy đánh cờ (thắng mọi đối thủ là con người).
  • Cấp độ 2: AGI (Artificial General Inteligence, hay là Machine Learning) với giai đoạn phát triển từ 2016-2050. AGI xử lý thông tin đa lĩnh vực, có khả năng suy luận, đưa ra quyết định và biết tư duy trừu trượng. Có thể coi AI trên máy bay F35 của Mỹ là đại diện cho cấp độ này ở thời điểm hiện tại (2021).
  • Cấp độ 3: ASI (Artificial Supper Inteligence) từ 2050 trở đi. Ở cấp độ này AI vượt qua trí tuệ người ở mọi lĩnh vực, kể cả phát minh. Có được điều đó là nhờ bộ nhớ của máy tính ngày càng lớn và đặc biệt là tốc độ xử lý thông tin ngày càng cao. Như thế AI vượt trội con người ở tầng 1 và 2 của chức năng não người.

Về tốc độ xử lý của máy tính, nếu như ở vài năm đầu thế kỷ 21 nó đạt cỡ vài chục ngàn tỷ ( 10^13) phép tính trên giây thì nửa đầu năm 2021 con số đó là vài trăm tỷ tỷ (máy Fugaku của Nhật đạt 415,53 tỷ tỷ). Theo thông tin chưa công bố thì Trung Quốc có hai máy đạt tốc độ ngàn tỷ tỷ còn Hoa Kỳ đang hoàn thành máy tính đạt 1,3 ngàn tỷ tỷ. Những siêu máy tính này còn khá cồng kềnh (chiếm vài căn phòng). Nhưng với tiến bộ của công nghệ đúc chíp (trái tim của máy tính và AI) thì chẳng mấy chốc những máy tính chỉ bằng máy để bàn bây giờ sẽ có công suất tính toán như các siêu máy tính hiện tại. Hiện tại người Đan Mạch đã đạt được đột phá trên con chip lượng tử nhỏ tựa vi khuẩn- một mốc son mới tiến tới tính toán lượng tử mà tốc độ của nó so với những siêu máy tính nói trên giống như so tốc độ của máy bay phản lực với sên bò. Thế nên một ngày nào đó tốc độ xử lí thông tin của siêu trí tuệ nhân tạo so với não của chúng ta cũng giống như so hai tốc độ nói trên. Không khó nhận thấy chức năng hoạt động của não người ở tầng 1 và 2 đều mô tả bằng các thuật toán. Mà ở khía cạnh này thì trí tuệ nhân tạo hơn hẳn chúng ta và vì thế nó vượt trội không thể tưởng tượng nổi so với con người. Công việc tạo nên các rô bốt cũng là một thuật toán: từ luyện quặng, chế tạo các khớp chuyển động đến chế tạo chíp, lắp ráp cũng là một thuật toán rõ ràng nên một ngày kia các rô bốt cũng tự sinh sản khi cần thiết là một sự thật hiển nhiên. Phức tạp hơn là quy trình đi đến các phát minh ở mọi lĩnh vực, điều mà hiện nay con người còn chiếm ưu thế so với rô bốt, cũng dựa trên các phép suy luận lôgic từ những tri thức đã biết rồi cũng sẽ được rô bốt đảm nhận. Có thể kết quả nghiên cứu, sáng tạo mà nó sẽ làm ra trong một vài năm còn nhiều hơn chúng ta làm được trong một thế kỷ hoặc lâu hơn thế nữa.

So sánh rô bốt trang bị siêu trí tuệ nhân tạo với con người ta thấy nó có những ưu thế và điểm yếu sau:

  • Điểm cộng: năng lượng nó sử dụng là điện năng, ưu việt hơn nhiều, dồi dào hơn nhiều, sạch sẽ hơn nhiều so với năng lượng hóa học của con người. Sự lão hóa các bộ phận của nó cũng diễn ra chậm hơn nhiều lần so với cơ thể hữu cơ của chúng ta. Về năng suất và hiệu suất lao động thôi khỏi phải bàn. Thuần tính hơn con người: không tham lam, không thèm khát quyền lực, không mê muội vì tình nên sáng suốt trong công việc.
  • Điểm trừ: Chức năng ý thức (conscious) rất khó nếu không nói là không thể trang bị cho rô bốt. Tuy vậy, chính vì thiếu những tiềm thức xấu xa như tham lam, ích kỷ, ghen tỵ,… lại làm nên một số điểm cộng nói trên của rô bôt. Rất may cho con người còn giữ lại được một vài ưu thế nhỏ nhoi trước các cỗ máy thông minh. Đó có thể là sự thức tỉnh lương tri, lòng trắc ẩn trước những điều tồi tệ. Và tất nhiên còn có cả tình yêu giữa hai cá nhân hữu cơ, cội nguồn của âm nhạc, thi ca và văn chương.

Như đã nói ở bài trước, trong sự hình thành cảm xúc của con người có vai trò của hệ vi khuẩn ký sinh trong cơ thể. Mà rô bốt chỉ “ăn điện” thì lấy đâu ra hệ ký sinh đó. Vì vậy, rô bốt thông minh cực đỉnh cũng chỉ là sản phẩm của con người. Dù ở gia đoạn nào của sự phát triển nhân loại chúng cũng chỉ là công cụ. Nó không thể thống trị loài người vì không thể có ý thức. Nó có khả năng nguy hiểm như bom nguyên tử nhưng con người vẫn biết cách khống chế.

Có hai câu hỏi liên quan đến chủ đề này cần câu trả lời.

  • Một là: con người ở giai đoạn siêu trí tuệ nhân tạo (ASI) sẽ sống như thế nào. Trả lời: có thể không cần trả lời câu hỏi này vì lòng tham của chúng ta sẽ xóa hết (chiến tranh hoặc hủy hoại môi trường nhanh quá, hoặc thảm họa thiên nhiên). Nhưng nếu còn bộ phận nào của nhân loại còn sống được đến ngày ấy thì đó là một tập thể thánh thần: trong sáng, thân thiện, không một chút ích kỷ, trường thọ, và có thể không cần sinh sản.
  • Hai là: nếu lúc nào đó ta tạo được con người xương thịt như bây giờ nhưng lại có não bộ kết nối với AI. Câu trả lời: đây là một ý tưởng ngông cuồng, không có tương lai. Vì rằng bộ não vẫn là chỗ ẩn náu của lòng tham lại kết hợp với những điểm mạnh nhất của máy móc thì nó sẽ là bộ não của quái vật, tốc độ hủy hoại lẫn nhau sẽ nhanh ở mức độ lượng tử.

Tóm lại, con người nhỏ mọn: tham lam ăn thịt các sinh vật khác, sử dụng năng lượng ở dạng thấp nhất và hiếm hoi liệu có thể thay THIÊN NHIÊN để sinh sản ra dạng sống khác (rô bốt) với những ưu điểm vượt trôi hơn mình về tổng thể. Không thể. Chúng ta chỉ có thể tạo ra những CÔNG CỤ mạnh mẽ để phục vụ tham vọng của mình. Thế cũng là quá vinh dự cho con người. Và cũng nên tự hào rằng cấu trúc và những hoạt động của cơ thể người đã ĐƯỢC tạo nên còn phức tạp hơn cả Vũ trụ.


Xem online : Phần 1


Trần Văn Trản

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan