BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Lịch quay mặt trời Byzantine

Thứ Sáu 2, Tháng Chín 2022bởi Cong_Chi_Nguyen

Hiện vật

Lịch quay mặt trời Byzantine đang trưng bày tại Bảo tàng Khoa học London (London Science Museum) là một hiện vật thuộc họ cơ khí bánh răng được xem như có niên đại cổ thứ hai trên thế giới (thế kỷ V-VII), chỉ sau hiện vật “máy Antikythera” nổi tiếng (thế kỷ I trước Công nguyên).

Loại lịch trên được bổ sung bởi không ít hiện vật chỉ khác chút ít, một số có ghi bằng chữ Latinh và một số bằng chữ Hy Lạp. Không có niên đại nào được xác định chính xác, nhưng hồ sơ khảo cổ học cho thấy những dụng cụ này đã được phân phối rộng rãi trong đế chế La Mã và thời kỳ đầu của Byzantine.

Nguyên mẫu hiện vật có lẽ tương ứng với thiết kế được tác giả Vitruvius người La Mã (cuối thế kỷ 1 trước Công nguyên) mô tả là “pros pan clima” (cho mọi vĩ độ), gợi ý về nguồn gốc dụng cụ có từ thời cổ Hy Lạp trước đó.

Hiện vật còn sót lại gần nguyên vẹn cả bốn bộ phận chính, làm bằng đồng và may mắn không bị gỉ hết, đó là: 1/ đĩa to để quay theo Mặt trời, 2/ bánh răng nhỏ gắn đĩa lịch Mặt trăng, 3/ cánh tay đòn và móc treo, 4/ trục răng khế với bánh cóc.

Trên mặt đĩa to có khắc bằng chữ Hy Lạp với các vĩ độ để sử dụng ở những địa điểm quan trọng trong thế giới cổ đại (gồm 16 thành phố: Constantinople, Syene, Thebaid, Châu Phi, Alexandria, Antioch, Rhodes, Athens, Sicily, Thessalonika, Roma, Dalmatia, Doclea, Caesarea Sratonis, Palestine và Ascalon).

Bản phục chế

Dụng cụ phục chế năm 1990 bởi M.T. Wright bao gồm hai khối hoạt động hầu như độc lập: một mặt đồng hồ để sử dụng ở bất kỳ vĩ độ nào và một thiết bị lịch có bánh răng để biểu thị các giai đoạn của Mặt trăng, ngày trong tháng và vị trí của Mặt trời và Mặt trăng trên đường Hoàng đạo.

Nói cách khác có thể sử dụng nó như một chiếc đồng hồ quay theo Mặt trời, cho biết thời gian ở 16 địa điểm trong thế giới cổ đại và có thể dự đoán vị trí của Mặt trời và Mặt trăng trong vòng hoàng đạo.

Đĩa to khắc các chữ và số chiếm hầu hết mặt trước của thiết bị. Nó bao gồm một bộ phận có cả thước đo bóng Mặt trời và thang đo giờ. Trục trung tâm đi qua mặt trước đĩa to và cánh tay đòn ở mặt sau được nối với một cái vòng nhỏ để treo thẳng đứng thiết bị.

Hai thang đo trên mặt trước cho phép người dùng điều chỉnh phần đầu tiên theo độ cao của Mặt trời vào buổi trưa, theo địa điểm và thời gian trong năm: bánh xe đổ bóng di chuyển trên thang đo kép của độ nghiêng Mặt trời, được đánh dấu bằng các chữ viết tắt tên tháng theo lịch Julian; và cánh tay đòn được điều chỉnh theo một góc phần tư của vĩ độ gần vành của đĩa to. Sau đó, mặt số được giữ và xoay cho đến khi bóng của phần chiếu xuống dọc theo thang đo cong, nhờ đó người dùng có thể đọc giờ buổi sáng hoặc buổi chiều. Hầu hết phần còn lại của mặt đồng hồ được hiển thị với một bảng tham chiếu gồm các địa danh và vĩ độ của chúng.

Các hiện vật tương tự đã biết thì nhỏ hơn và dựa trên các đĩa tròn phẳng. Trong trường hợp độc đáo ở trên thì chỉ có một hộp rỗng thay thế cho đĩa, nó chứa một cơ phận có bánh răng hoạt động bằng cách xoay một kim trỏ trên mặt của đĩa số.

Kim trỏ di chuyển trên một vòng tròn có bảy đầu được khắc tượng trưng cho bảy ngày của tuần lễ Do Thái-Cơ đốc. Một bánh cóc bên trong ngăn người dùng đảo chiều ngược lại. Bánh răng đơn giản theo tỷ lệ 7:59 quay đĩa một vòng trong 59 ngày, hiển thị ngày trong tháng (với độ dài luân phiên 29 và 30 ngày) và biểu diễn gần đúng giai đoạn của Mặt trăng, thông qua các lỗ mở ở phía sau hộp. Theo mô tả về một dụng cụ tương tự của al-Bīrūnī, phần còn lại của cơ phận được khôi phục để điều khiển các chỉ dẫn về vị trí của Mặt trăng và Mặt trời trong Hoàng đạo. Một phục chế phức tạp hơn có thể biểu thị các nút của Mặt trăng (cho phép người dùng dự đoán khả năng xảy ra nguyệt thực) hoặc cơ phận theo đó vị trí của máy chiếu bóng và thang giờ được đặt tự động theo lịch; nhưng những khả năng này không có cơ sở lịch sử.

NCCong 2/9/2022

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan