BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Làm sao để bảo tàng số sống được

Thứ Sáu 24, Tháng Sáu 2022bởi BTV

Bảo tàng số có thể phục vụ khách tham quan ở khắp nơi trên thế giới bất kể giờ nào, nhưng nuôi sống nó có dễ dàng hơn bảo tàng thực?

Hiện nay nhiều bảo tàng, di tích, làng nghề đã đầu tư không gian ảo, trưng bày ảo, bản đồ số, tích hợp các giải pháp công nghệ vào thuyết minh, hướng dẫn với kỳ vọng thu hút thêm lượng khách online. Tuy nhiên, để khách chấp nhận bỏ tiền mua vé tham quan trưng bày ảo sẽ là một chặng đường còn khá dài của ngành bảo tàng Việt Nam.


Tại Việt Nam, đi đầu trong việc số hóa có thể kể đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong đó Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sớm ứng dụng phần mềm iMuseum VFA hỗ trợ khách tham quan từ xa với thời lượng thuyết minh đến 8 giờ và bằng 8 ngôn ngữ. Một số mục tại ứng dụng iMuseum VFA được tính phí 45.000-50.000 đồng/lượt xem.

Nhận xét về doanh thu từ bảo tàng ảo, đại diện các bảo tàng đều cho biết rằng nhiều bảo tàng trong khu vực và trên thế giới đã có nguồn thu đáng kể từ lượng khách online, tuy nhiên ở Việt Nam hình thức này chỉ mới bắt đầu và mang tính thử nghiệm. Dù vậy, bảo tàng ảo được đánh giá là nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai khi mà nhu cầu nghiên cứu, học tập online ngày càng tăng. Chẳng hạn, nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của học sinh -sinh viên trên toàn quốc là rất lớn nhưng các bảo tàng chỉ được đặt tại vài thành phố như Hà Nội, TP HCM…

Theo nhận định của các chuyên gia công nghệ, phần lớn các bảo tàng Việt Nam đều chưa làm cho các kho cổ vật trở lên hấp dẫn trên không gian số, chưa đồng bộ dữ liệu lên nền tảng Android và IOS để công chúng đến với bảo tàng, tìm hiểu các câu chuyện văn hóa ẩn giấu sau mỗi hiện vật. Ông Paolo Russo, Chủ tịch Crhack Lab Foligno 4D (Italia) chia sẻ về lý do thành công của các bảo tàng ảo châu Âu: “Có sự kết hợp giữa bảo tàng và nhà hát dựa trên 5 yếu tố: kho báu, kể chuyện, tài năng, sân khấu và công nghệ. Ở lĩnh vực này, công nghệ trao quyền cho chuyên viên bảo tàng và diễn viên kể chuyện hiện vật, tạo sự hấp dẫn cho người xem.”

Phó Cục trưởng Di sản văn hóa Lê Định Phong cho rằng: “Công nghệ dù có tốt đến mấy, cũng chỉ là phương tiện truyền tải. Vấn đề quan trọng trước tiên là phải xây dựng được dữ liệu số, đó là cơ sở để xây dựng các ứng dụng khác. Nhiều sản phẩm hiện nay được đưa lên không gian ảo một cách vội vàng nên còn rất thô, không thể tồn tại lâu dài. Nếu như không nghiên cứu nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn chúng ta sẽ khó thành công”.

Bên cạnh trình độ công nghệ của nhân sự bảo tàng Việt Nam còn hạn chế, vấn đề kinh phí cũng là một trở ngại trong việc số hóa trong lĩnh vực bảo tàng.

Nhiều đơn vị cứ mãi loay hoay vì chi phí cho công nghệ không phải là nhỏ, trong khi nguồn thu chưa có gì đảm bảo. Bảo tàng Lịch sử TP HCM gần đây được chú ý với dự án Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360. Tuy nhiên ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng này thì khó khăn hiện nay của các bảo tàng không phải đến từ công nghệ, bởi vì trong nước đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt những giải pháp công nghệ bảo tàng ảo. Bài toán khó nhất cho các bảo tàng chính là nguồn kinh phí đầu tư cho nhân lực, trang thiết bị kèm theo để vận hành, bảo trì…

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan