Thứ Năm 18, Tháng Tám 2022, bởi Cong_Chi_Nguyen
Intel 8085
Intel 8085 là bộ vi xử lý 8 bit thứ ba do Intel sản xuất và giới thiệu vào tháng 3 năm 1976. Nó chứa khoảng 6500 transistor, đồng hồ tối đa 6MHz và tương thích phần mềm nhị phân với chip Intel 8080 ra đời trước đó 2 năm. Hai chip này cùng với đối thủ Z80 của hãng Zilog đã được sử dụng trong phần lớn máy tính cá nhân chạy hệ điều hành CP/M80 (cho đến giữa những năm 1980 mới nhường chỗ cho hệ điều hành MS-DOS).
So với i8080 thì i8085 có thêm hai lệnh để hỗ trợ các tính năng vào/ra nối tiếp và ngắt bổ sung. Số “5” ở cuối ký hiệu nhấn mạnh rằng i8085 chỉ sử dụng một nguồn điện +5 V trong khi i8080 yêu cầu tới 3 nguồn điện +5 V, −5 V, +12 V. Chip i8085 đòi hỏi ít mạch phụ trợ hơn, cho phép xây dựng các hệ thống máy tính và thiết bị điều khiển vừa thuận tiện vừa mạnh hơn là dùng 8080.
Giống như 8080, chip 8085 được bọc trong vỏ DIP 40 chân nhưng sử dụng bus địa chỉ chung với bus dữ liệu được ghép kênh trên 8 chân AD0-AD7. Bus chung địa chỉ/dữ liệu làm giảm số lượng đường nối giữa 8085 với bộ nhớ và các cổng vào/ra (I/O). Intel đã sản xuất một số chip hỗ trợ, bao gồm chip 8755 với chốt địa chỉ, 2 KB bộ nhớ EPROM và 16 chân I/O, và chip 8155 với 256 byte bộ nhớ RAM, 22 chân I/O và bộ đếm thời gian khả trình 14 bit.
Intel sau đó có nhượng quyền sản xuất 8085 cho một số hãng điện tử khác để cùng làm. Nó được sử dụng rất nhiều trong các thiết bị điều khiển do tích hợp I/O nối tiếp và 5 ngắt ưu tiên là những tính năng mà bộ vi xử lý Z80 không có. Xin kể tên 2 sản phẩm nổi tiếng vào cuối những năm 1970 là bộ điều khiển băng từ DECtape II và thiết bị đầu cuối video VT102 với thời gian tồn tại vượt quá 10 năm sau, tức là lâu hơn tuổi thọ trung bình của các máy tính để bàn.
- Sơ đồ bìa CPU và 2 trong số các mạch in của VT81. Photo ©NCCong 1979
Máy tính VT81
Mùa hè năm 1978 KS Nguyễn Chí Công thiết kế và chế tạo thành công hệ phát triển FT8085 cho chip 8085, hiện được trưng bày trong Bảo tàng Công nghệ Thông tin VMIT tại Hà Nội. Trên cơ sở đó đã làm ra hàng loạt bìa xử lý và bìa bộ nhớ dùng cho các máy tính để bàn và thiết bị điều khiển, được gọi là VT81. Loạt VT81 nhanh chóng được hoàn thiện với bìa ghép nối ổ đĩa mềm do KS Trần Bá Thái thiết kế và việc cài đặt hệ điều hành CP/M80 chạy trên đĩa mềm do KS Đặng Văn Đức thực hiện năm 1979…
Sau đó TS Nguyễn Gia Hiểu, TS Nguyễn Văn Tam và các KS Huỳnh Thúc Cước, Phí Mạnh Lợi, Nguyễn Chí Thức, Phan Minh Tân v.v. đã thiết kế và chế tạo thành công máy tính VT83 sử dụng chip Z80 với các ghép nối đĩa cứng, máy in kim và có khả năng thể hiện chữ Việt trên cả máy thu hình dân dụng phổ biến thời ấy như TV Neptune… Quy mô sản xuất tuy vậy vẫn chỉ dừng ở mức độ nhỏ của phòng Kỹ thuật số.
- Máy VT81 với màn hình là TV trắng-đen tại Liễu Giai. Photo ©NCCong 1979
Những máy tính VT81, VT83 ngoài việc phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo tại các Viện nghiên cứu khoa học và trường Đại học còn được đem đi ứng dụng ở khá nhiều cơ quan, xí nghiệp dân sự và quốc phòng cho đến khi bị thay thế bởi các máy tính tương hợp IBM/PC tràn vào từ giữa thập niên 1980.
Năm 1981 Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử Việt Nam đã cùng Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển bàn đến việc sản xuất máy tính VT81 ở quy mô công nghiệp. Đáng tiếc là ở nước ta thời đó chưa có dây chuyền làm mạch in 2 lớp nên đã để vuột mất cơ hội đi đầu trước các nước châu Á.