Chuyển tới nội dung

Bốn quyển sách cũ của Intel

Việc sử dụng các sổ tay tra cứu Intel ngay từ khi bắt đầu làm máy tính chứng tỏ các kỹ sư trẻ của Viện Khoa học Tính toán Điều khiển đã thiết kế bằng cách dựa trên những chip bán dẫn cùng tài liệu kỹ thuật hiện đại nhất đương thời để không sớm bị lạc hậu.

Quyển 1

Memory Design Handbook được hãng Intel xuất bản vào tháng 1-1981 là một sổ tay tra cứu với mô tả các loại bộ nhớ và mạch hỗ trợ do chính Intel chế tạo để dùng trong thiết kế các hệ thống ứng dụng. Khi thiết kế một modul hay bìa nhớ nào đó thì cần có sách tra cứu những thông tin cụ thể về từng chip bộ nhớ với các tần số đồng hồ, các modul điều khiển và giải mã tương ứng.

Quyển 2

MCS-86 Product Description là một data book (sách dữ liệu) cung cấp dữ liệu mô tả dòng chip vi xử lý 16 bit đầu tiên của hãng Intel cùng các sản phẩm hỗ trợ do hãng chế tạo. Sách được Intel xuất bản vào tháng 6-1978, bao gồm giới thiệu chung và các đặc tả kỹ thuật của từng sản phẩm, kể cả những công cụ phần cứng kết hợp với phần mềm nhằm để phát triển các hệ thống ứng dụng.

Quyển 3

Microsystem 80 – iAPX86 and iAPX88 Product Description là một data book gồm dữ liệu mô tả các sản phẩm do hãng Intel chế tạo hồi đầu thập niên 1980. Sách cung cấp các tính năng chi tiết của hai dòng sản phẩm gồm các bộ vi xử lý iAPX86 và iAPX88 với các chip đảm nhiệm giao diện đầu ra, đầu vào và hệ điều hành iRMX tương ứng, bên cạnh các bìa máy tính iSBC và modul iSBX dùng để thiết kế các hệ thống ứng dụng (modul tiêu chuẩn là một bìa điện tử được chế tạo hàng loạt và mô tả chi tiết).

Quyển 4

Distributed Control Modules Databook cũng mô tả các modul sản phẩm của hãng Intel nhưng khác ở chỗ chúng phù hợp với điều khiển phân tán. Hệ thống vi điều khiển trình bày trong sách chủ yếu làm việc với các hệ điều hành đa nhiệm thời gian thực iRMX và loại bus công nghiệp, cụ thể là BITBUS tuy có tốc độ truyền chậm nhưng hoạt động rất tin cậy. Sách này được xuất bản năm 1984.

Lưu ý

Có thể ghép các thành phần từ những chip và modul tiêu chuẩn thích hợp để thực hiện máy tính điều khiển dây chuyền sản xuất hoặc robot hoạt động theo các yêu cầu xác định. Thiết kế hệ thống công nghiệp bao gồm máy tính điều khiển với bộ phận chấp hành là cách nhanh nhất và khi cần thay đổi cũng dễ tháo ra lắp vào. Bộ phận chấp hành, vd. cánh tay robot, có chức năng thực hiện thao tác sản xuất mà để điều khiển nó thì hệ thống còn cần phải có nguồn điện nuôi và có bộ phận đo được các thông số liên quan, vd. kích cỡ, nhiệt độ, v.v.. Việc sử dụng những máy tính như thế với chip vi xử lý, bộ nhớ và phần mềm thực hiện các thuật toán điều khiển gọi là ứng dụng tin học trong công nghiệp.

Chúng ta có thể tự nghiên cứu và chế tạo nhiều thành phần trong một hệ thống ứng dụng nhưng sẽ mất thời gian. Tốt hơn nên thiết kế sao cho hệ thống bao gồm tối đa những sản phẩm có sẵn và chỉ cái gì không có sẵn thì mình mới tự làm. Trong thực tiễn, những hãng đi trước về công nghệ, có tích luỹ vốn và kinh nghiệm thì thường sản xuất được các thứ có chất lượng và giá cả phù hợp thị trường. Nếu chúng ta tự làm thay họ thì sẽ đắt hơn, lâu hơn và rất có thể có lỗi. Chưa kể dùng sản phẩm của họ trong hệ thống của mình sẽ dễ liên lạc và tương tác được với những hệ thống khác, miễn là tuân theo những tiêu chuẩn phổ biến quốc tế. Còn nếu chúng ta tự làm theo tiêu chuẩn riêng thì chỉ mỗi mình dùng được thôi.

Hiện vật Bảo tàng CNTT ©NCCong 2025

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan