BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Hai niềm hạnh phúc gắn bó với tin học

Hai niềm hạnh phúc gắn bó với tin học

Thứ Hai 13, Tháng Năm 2019bởi Cong_Chi_Nguyen

GS Phan Đình Diệu và KS Nguyễn Chí Công tại Đồi Thông. Photo ©NCCong 1979

Tôi thường tâm sự với bạn bè là thế hệ chúng ta thực may mắn được sinh ra và lớn lên trong một thời đại của những chuyển biến sâu sắc mà những thành tựu của chúng lan tỏa ảnh hưởng nhanh chóng đến mọi ngõ ngách của thế giới. Vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi mới bước đầu dạy Toán ở Đại Học Sư Phạm Hà Nội, tôi đã được nghe đến những điều mới mẻ, kỳ diệu của máy tính điện tử, của điều khiển học, bên cạnh những phát minh to lớn trong vật lý, sinh học… Tôi vẫn mê toán học trừu tượng, nhưng đã bắt đầu bị lôi cuốn bởi những ý tưởng về thông tin, điều khiển, và đặc biệt bởi sự diệu kỳ của máy tính điện tử. Đến năm 1968, tôi được chuyển về công tác ở Phòng Toán Học Tính Toán (tức Phòng Máy Tính Điện Tử) thuộc Ủy Ban Khoa Học và Kỹ Thuật Nhà Nước, hồi đó mới được thành lập, do anh Nguyễn Lãm phụ trách, và được trang bị chiếc Minsk-22 là chiếc máy tính đầu tiên của nước ta. Một máy tính thuộc “thế hệ thứ hai”, được lắp từ các transistor bán dẫn, chiếm cả một gian phòng lớn nhưng chỉ có tốc độ khoảng 6000 lệnh/ giây, lập trình trên ngôn ngữ máy với hệ mã lệnh nhị phân. Nếu so với các máy vi tính bây giờ thì Minsk-22 quả hết sức lạc hậu, nhưng chính chiếc máy đó đã có thành tích to lớn đào tạo một đội ngũ cán bộ ứng dụng máy tính đầu tiên cho khắp các ngành, đồng thời đã thực hiện một số ứng dụng có kết quả cho nhiều bài toán thực tế như tính toán các phương án làm đường, làm cầu cho giao thông vận tải, chống lũ cho thủy lợi, các phương án bắn cho pháo binh, v.v…, một thành tích mà khó có chiếc máy nào bì kịp.

Đầu năm 1975, tôi được qua Pháp trong một chuyến thực tập. Chuyến đi để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về hai khái niệm: microinformatique (vi tin học) và téléinformatique (viễn tin học). Vào giữa những năm 70 của thế kỷ 20, đây là hai vấn đề mới của tin học thế giới, và tôi cảm nhận được một cách thích thú rằng chính hai vấn đề này sẽ là tương lai của tin học thế giới, sẽ tạo ra những con đường thích hợp cho các nước chậm phát triển tiến vào kỷ nguyên tin học của thế giới. Vi tin học là hướng phát triển tin học dựa vào kỹ thuật máy vi tính trên công nghệ vi xử lý. Viễn tin học cũng là một hướng mới, nội dung của nó là tin học trên mạng, trên cơ sở kết nối nhiều máy tính thuộc các loại khác nhau qua các mạng viễn thông để hình thành các mạng máy tính, giúp cho người dùng được sử dụng chung các nguồn tài nguyên thông tin và các năng lực tính toán của các máy trên mạng. Tôi hy vọng là ở nước ta sau chiến tranh có thể phát triển hai hướng nghiên cứu đó để xây dựng nhanh chóng ngành tin học, đặc biệt để nhanh chóng ứng dụng tin học trong một công cuộc tin học hóa rộng rãi của nước nhà.

Sau chiến thắng 1975 và thống nhất đất nước, tôi vẫn liên tục công tác trong lĩnh vực tin học, làm nhiều việc từ nghiên cứu, giảng dạy đến quản lý, ứng dụng, nhưng có hai lần được làm hai việc mà tôi có nhiều hứng thú và say mê nhất. Đó là lần được giao nhiệm vụ soạn thảo đề cương thành lập Viện Khoa Học Tính Toán và Điều Khiển vào những năm 75-76, và lần được giao biên soạn ¬“Chính sách phát triển và ứng dụng CNTT” vào đầu những năm 1990. Hai lần ấy, điều làm cho tôi say mê và hứng thú nhất là được tự do suy nghĩ, tự do thể hiện những điều mình ôm ấp, những mong ước thiết tha, và có thể cả đôi chút những mơ tưởng xa xôi của mình, với niềm tin và hy vọng chúng được thi hành trong thực tế.

Viện Khoa Học Tính Toán và Điều Khiển (nay là Viện CNTT) đã được thành lập, và trong vòng mươi năm đầu đã xây dựng và phát triển được các hướng nghiên cứu cùng với đội ngũ cán bộ khá vững vàng về kỹ thuật vi xử lý và máy vi tính, về mạng, về toán học tính toán và lập trình, về ứng dụng trong tự động hóa và trong quản lý kinh tế.

Còn chính sách phát triển và ứng dụng CNTT cho những năm 90 đã được phê duyệt và trên cơ sở đó đã thành lập một Chương Trình Quốc Gia về CNTT, trong vài ba năm đầu hoạt động đã tạo cơ sở cho việc tin học hóa quản lý nhà nước và nhiều ứng dụng tin học khác.

Tôi đã có may mắn được tham gia quản lý công việc của Viện cũng như sau này của Chương Trình Quốc Gia trong một thời gian, và đã xin rút lui khi tự nhận thấy là việc tham gia đó không còn thích hợp nữa. Tuy nhiên, những tình cảm thiết tha và những kỳ vọng chân thành đối với sự phát triển của Viện, của Chương Trình, và của ngành CNTT nước nhà nói chung, thì gắn bó với tôi mãi mãi.

GS Phan Đình Diệu

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan