BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

CHIẾN TRANH BÁN DẪN

Thứ Năm 10, Tháng Hai 2022bởi Cong_Chi_Nguyen

Lịch sử loài người hình thành bởi các cuộc chiến tranh. Và kết quả của các cuộc chiến tranh không phải do sức mạnh, chiến thuật, số lượng quân số mà lại phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ.

Thời tiền sử, người Neanderthal có bộ não lớn hơn người Homo Sapiens nhưng lại bị người Sapiens đánh bại. Các nhà khảo cổ tìm ra các vũ khí như cung tên, khiên, lao của người Sapiens, khi đó người Naenderthal không có công nghệ chế tạo vũ khí tầm xa mà chỉ có dao rựa bằng đá, ngoài ra người Sapiens còn có công nghệ làm quần áo và xây nhà trong khi người Neanderthal chỉ mặc áo da thú và ở trong hang động, kém linh hoạt hơn trong việc tồn tại với các biến đổi về môi trường và khí hậu. Hiện nay người Naenderthal đã biến mất mà chỉ còn duy nhất loài Homo Sapiens tồn tại.

Thời kỳ đồ Đồng tạo ra khả năng chế tạo công cụ và vũ khí theo ý muốn của con người. Tiêu biểu là bánh xe với công nghệ luyện kim được cải tiến rất nhiều và có nan hoa, giúp chở lương thực và quân lính tốt hơn. Điều này đã tạo nên các nền văn minh lớn như khu vực Lưỡng Hà hay Đông Sơn.

Công nghệ luyện kim sắt một lần nữa thay đổi lịch sử. Để luyện kim sắt không đơn giản vì lửa từ gỗ chỉ là 600°C, nếu xây lò đốt thì có thể đạt khoảng 1200°C, còn cách xa mức nung chảy sắt là 1558°C, trong khi đồng chỉ cần 1085°C để nấu chảy. Thời kỳ này bắt đầu phát triển các công nghệ mang tính phức tạp, không phải dễ sao chép. Thời kỳ đồ sắt phát triển trong giai đoạn Chiến quốc, vũ khí làm bằng sắt bén và bền hơn, hiệu quả tốt hơn trong chiến đấu. Thời nhà Tần tuy vũ khí sắt chưa phải quá phổ biến nhưng thanh gươm tìm được trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là đồng mạ chrome, sau 2000 năm vẫn còn sắc bén và bền chắc. Kỹ thuật mạ chrome hiện đại phải đến thế kỷ 19 mới được người Đức phát minh. Có thể nói nhà Tần thống nhất được Trung Hoa cũng nhờ vũ khí làm từ sắt và đồng mạ chrome này. Nước Viêt ta cũng nhờ biết rèn ngựa sắt nên Thánh Gióng đánh tan được giặc Ân. Quân Mông Cổ thì không luyện được thép nhưng lại có công nghệ chế tạo cung tên tốt hơn các dân tộc khác. Nhờ công nghệ làm vũ khí tấn công từ xa nên người Mông Cổ chiếm lợi thế trong các cuộc chiến. Thật ra quân Mông Cổ gặp khó khăn trong việc chế tạo vũ khí sắt do chủ trương hạn chế xuất khẩu sắt của Trung Hoa với mục đích sâu xa làm suy yếu quân Mông Cổ. Có thể thấy chiến lược cấm vận và hạn chế xuất khẩu để làm suy yếu công nghệ của đối phương đã có từ xưa.

Nhưng vũ khí sắt hay cung nỏ thì cũng không thể so được với thuốc súng. Một công nghệ vũ khí làm thay đổi bản đồ cũng như lịch sử văn minh thế giới. Vũ khí tiêu biểu có lẽ là khẩu đại bác Basilica. Thứ vũ khí này đã giúp Ottoman đánh sập kinh đô Constantinopolis của Đông La Mã, chấm dứt đế chế La Mã kéo dài 1500 năm, kết thúc thời kỳ Trung Cổ kéo theo sự ảnh hưởng của văn hóa Byzantine trên khắp Châu Âu. Đây là một khẩu đại bác khổng lồ có thể bắn một viên đạn hơn năm trăm cân đi xa hơn 1 dặm. Nhờ nó mà Ottoman đã đánh sập được bức tường Constantinopolis, một Vạn lý trường thành của Đế quốc La Mã. Khẩu súng này được chế tạo bởi một người tên Orban, ông này ban đầu chào hàng cho Constantinopolis, nhưng nhà vua chê đắt. Thế là thứ vũ khí này được bán lại cho người Byzantine ngay sau đó. Việc không nhận thức và đánh giá đúng giá trị công nghệ đã phải trả giá quá đắt.

Công nghệ hạt nhân trong thế kỷ 20 đã giúp chấm dứt Thế chiến thứ 2 bằng 2 quả bom huỷ diệt Nhật Bản. Ngoài bom thì năng lượng hạt nhân đã giúp Mỹ chế tạo các tàu sân bay và tàu ngầm hoạt động liên tục trên biển, giúp Hải quân Hoa Kỳ thống trị tất cả vùng biển trên thế giới. Các tàu ngầm hạt nhân cũng không tạo ra tiếng ồn, ưu việt hơn hẳn so với các tàu ngầm chạy bằng dầu. Các nhà máy điện hạt nhân cũng tạo ra nguồn năng lượng dồi dào hơn so với các nguồn năng lượng khác giúp các nước phát triển duy trì ngành công nghiệp nặng.


Đến đây mới là phần chính, công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta hàng ngày hiện chính là công nghệ bán dẫn, và đã có rất nhiều cuộc chiến xung quanh công nghệ này. Bây giờ để gây ra một cuộc chiến tranh chết người với quy mô trên toàn thế giới thì rất khó. Vì thế các nước lớn đang tiến hành chiến tranh bằng thương mại và văn hóa, và thậm chí cả sinh học.

Bóng bán dẫ do William Shockley của Bell Labs phát triển năm 1948. Nhưng Akio Morita – nhà sáng lập Sony đã là người đầu tiên nghiên cứu việc ứng dụng nó hiệu quả. Sản phẩm đầu tiên là chiếc đài radio đã đột phá tương tự như iPhone bây giờ khi có thể bỏ gọn vào túi và nghe trên đường. Sony đã bỏ 1 khoản tiền lớn lúc bấy giờ là 25.000 USD để mua bằng sáng chế bán dẫn, sau đó cải tiến bằng cách pha tạp phốt pho để tạo bóng bán dẫn tần số cao. Các công ty Nhật Bản lúc đó rất giỏi cải tiến công nghệ và sản phẩm, trong khi chính cha đẻ của bóng bán dẫn là Bell Labs đã phải từ bỏ việc pha tạp phố pho. Người Nhật bắt đầu vượt qua người Mỹ bằng chính công nghệ do người Mỹ tạo ra.

Năm 1970, Intel sử dụng bóng bán dẫn tạo ra DRAM bộ nhớ động đầu tiên, mở đầu kỷ nguyên lưu trữ bán dẫn. Tuy thời điểm này các công ty Nhật đã càn quét thị trường gia dụng của Mỹ qua radio, tv, máy quay. Đồ Nhật Bản tràn ngập Mỹ giống như bây giờ đi đâu ta cũng thấy sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc vậy. Tuy nhiên trong lĩnh vực chip thì Nhật Bản vẫn có một sự chênh lệch nhất định so với Mỹ.

Năm 1976, Nhật Bản đã đầu tư 72 tỉ yên vào Hitachi, Mitsubishi, Fujitsu, Toshiba, NEC. Viện Khoa học Máy tính và Công nghệ đã nghiên cứu và phát triển vi mạch tích hợp mật độ cao VLSI. Sau 4 năm, Nhật Bản thông báo hoàn thành dự án VLSI.

Trong cùng thời gian các công nghệ sản xuất chip bao gồm quang khắc, thiết bị, quy trình sản xuất đã có nhiều phát triển vượt trội giúp giảm chi phí sản xuất và nâng biên độ lợi nhuận. Ngành công nghiệp DRAM của Nhật bùng nổ. Đến năm 1986, chỉ tính riêng Toshiba đã sản xuất hơn 1 triệu chip DRAM mỗi tháng. Nhật mất 6 năm để đạt thành công và thống trị thị trường DRAM. Các sản phẩm Nhật Bản đã tấn công thị trường Mỹ một cách điên cuồng.

Còn với Intel, rất hứa hẹn khi ra mắt bộ nhớ bán dẫn, đã rơi vào cảnh thua lỗ lớn. Trong hai năm 1984 và 1985 công ty buộc phải sa thải hơn 7000 nhân viên. Vào tháng 10 năm 1985, Intel tuyên bố rút khỏi thị trường DRAM và đóng cửa 7 nhà máy DRAM. Sau khi hoàn toàn từ bỏ việc phát triển chip nhớ DRAM, Intel đã chuyển sang hướng bộ vi xử lý CPU và thống lĩnh thị trường này, nhưng đó là việc về sau.

Không chỉ trong thị trường sản xuất chip nhớ, Nhật còn chiếm lĩnh công nghệ sản xuất máy khắc bản mạch chip, công nghệ cốt lõi trong việc tạo ra chip mà Nikon là công ty đã theo con đường này.

Vào thời điểm đó, máy khắc bản mạch chip do công ty GCA của Mỹ là tiên phong trên thế giới và thống trị thị trường này. Đây cũng là một niềm tự hào về công nghệ của Mỹ và nằm trong chiến lược của cuộc chiến nhằm thống trị lĩnh vực chip của Mỹ. Trong suốt thập niên 50 và 60, bộ Quốc phòng Mỹ đã chi nhiều tiền cho các doanh nghiệp tư nhân sản xuất chip để cho các công ty công nghệ phát triển và giúp Mỹ đạt vị thế trong lĩnh vực này.

Vì năng lực sản xuất hạn chế nên GCA không thể cung cấp thêm cho các công ty bên ngoài. Vì thế Nhật Bản quyết định phải tự sản xuất. Ban đầu là Nikon bắt đầu copy máy in thạch bản của GCA. Trong công nghệ thì chuyện copy sao chép là việc phổ biến, đến bây giờ vẫn diễn ra thường xuyên. Người Nhật bảo thế là đứng trên vai người khổng lồ. Tuy chỉ là hàng fake nhưng ở trong nước Nikon cũng chiếm lĩnh được 65% thị phần do nội địa hóa tốt.

GCA thấy Nikon cạnh tranh ghê quá bèn kêu xin Bộ quốc phòng Mỹ nhưng không kịp. Năm 1987 GCA bị hủy niêm yết và biến mất trên thị trường.

Năm 85, Hiệp hội bán dẫn Mỹ bắt đầu khiếu nại với Bộ thương mại về việc Nhật cạnh tranh không lành mạnh. Chính phủ Mỹ buộc phải ra tay. Thật ra trước đó Mỹ đã bắt đầu có các động thái cho cuộc chiến thương mại này.

Năm 1982, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các quan chức cấp cao của Hitachi đánh cắp bí mật công nghệ của IBM. Công ty Mỹ cũng đâm đơn kiện Hitachi. Sau đó, Hitachi phải trả 10 tỷ yên (92,3 triệu USD) tiền bản quyền cho IBM vào năm 1983 và chấp nhận việc IBM kiểm tra các sản phẩm phần mềm mới của hãng trong vòng 5 năm.

Toshiba bị cáo buộc bán công nghệ quốc phòng nhạy cảm cho Liên Xô từ năm 1982 đến 1984. Mỹ cấm nhập sản phẩm của Toshiba trong 3 năm tính từ năm 1987. Công ty Nhật Bản phải đăng thông tin xin lỗi chính thức trên 90 tờ báo Mỹ.

Năm 1985, Mỹ phán quyết Nhật bán phá giá chip DRAM và áp thuế 100% lên thiết bị bán dẫn của Nhật Bản. Một năm sau, Nhật và Mỹ đã ký “Hiệp định bán dẫn Nhật-Mỹ” với mọi điều khoản bất lợi cho Nhật. Trong thỏa thuận kéo dài 5 năm này, Nhật Bản đồng ý cho Mỹ hạch toán chi phí giá bán tại Mỹ, tại Nhật thì chấp nhận cho Mỹ có ít nhất 20% thị phần bán dẫn, chấp nhận để Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ giám sát, Fujitsu bị cấm mua lại Tập đoàn bán dẫn Fairchild Semiconductor của Mỹ. Ngoài ra, từ năm 1989, Nhật Bản phải hỗ trợ bằng sáng chế bán dẫn cho Mỹ.

Nhà sản xuất điện tử Toshiba và công ty Konigsberg Vaapenfabrikk (Na Uy) còn bí mật bán các máy móc tàu ngầm cho Liên Xô từ năm 1982 đến 1984. Mỹ sau đó ban hành lệnh cấm trong 3 năm với các sản phẩm của Toshiba vào năm 1987. Về phần mình, Toshiba đăng quảng cáo trên hơn 90 tờ báo của Mỹ xin nhận lỗi về hành động bán chui.

Đến thời điểm đó Nhật Bản vẫn có nhiều lợi thế về công nghệ, chỉ không còn lợi thế về giá nữa. Mỹ liền cho đàn em Hàn Quốc ở gần đó làm đối trọng trực tiếp nhằm phá hủy ngành công nghiệp của Nhật Bản. Micron cấp phép công nghệ sản xuất DRAM 64k cho Samsung và 1 doanh nghiệp khác cũng bán công nghệ sản xuất cho Samsung. 2 năm sau Huyndai trở thành nhà sản xuất chip lớn thứ 2 tại Hàn Quốc. Trong khi đó Mỹ tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp trong công nghệ chip và đưa ra các quy tắc để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Đến năm 1996, các doanh nghiệp Mỹ trở nên rất mạnh về công nghệ vi xử lý.

Đến thời điểm hiện tại, Toshiba từ công ty dẫn đầu trong ngành bán dẫn đã phải chia tách thành nhiều công ty con và bán lại cho các tập đoàn khác, đặt dấu chấm hết cho một công ty bán dẫn Nhật Bản. NEC, Hitachi và Mitsubishi đã hợp nhất để thành lập Renesas Electronics, tuy nhiên cũng thua lỗ. Chính phủ Nhật đã phải đầu tư nhiều tiền để giải cứu Renesas. Sharp cũng đã bị Foxconn mua lại. Nhà tiên phong của máy khắc bản mạch chip là Nikon cũng thua trận. Công nghệ đúc chip tiên tiến nhất là máy quang khắc EUV thuộc về công ty ASML ở Hà Lan. Duy nhất chỉ còn Sony đang chiếm giữ 50% thị phần cho chip camera máy ảnh, tuy nhiên bám theo rất sát là Samsung của Hàn Quốc.

Cuộc chiến bán dẫn vào thập niên 90 đem lại cho Mỹ sự phát triển và thống trị tuyệt đối trong nhiều năm. Các vũ khí hiện đại cũng trở nên thông minh và cần các bộ xử lý để điều khiển, đây mới chính là lý do sâu xa cho việc cần phải làm chủ công nghệ cao.

Lịch sử cho thấy công nghệ cao có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến lược an ninh quốc gia chứ không chỉ là vấn đề thị phần trong thương mại.

Và trong những năm vừa qua chúng ta lại chứng kiến một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy gọi là cuộc chiến nhưng các bên chỉ múa quyền là chính. Nếu nhìn vào sản lượng nhập khẩu và xuất khẩu giữa 2 nước thì chúng ta thấy cũng không thay đổi là bao. Lý do đằng sau vẫn là công nghệ bóng bán dẫn chứ không phải kinh tế. Hai bên vẫn rất cần nhau nhưng Mỹ vẫn phải kiềm chế con hổ Trung Quốc trước khi nó vượt qua mình. Trung Quốc đi con đường tương tự như Nhật Bản, cũng đi tắt đón đầu, cũng sao chép, học lỏm công nghệ, thậm chí có sự vượt mặt khi tạo ra được một nền khoa học sản xuất hàng điện tử. Mỹ cũng tiến hành một chiến lược tương tự như với Nhật để đối đầu với Trung Quốc, cũng kiện bằng sáng chế, áp thuế suất,… Trung Quốc hiện nay khác Nhật khi xưa, có những lợi thế nhất định. Nhưng không nắm được công nghệ lõi, Trung Quốc không thể thiết kế cũng như sản xuất được chip dù có trong tay rất nhiều công ty công nghệ tỷ đô. Vấn đề của họ ở chỗ tuy gọi là công ty công nghệ nhưng thực tế đa phần chỉ là công ty thương mại trên nền tảng công nghệ. Mà Trung Quốc đối xử với các công ty trong nước cũng không phải tử tế gì, Alibaba và Tencent đang bị bắt chẹt đủ đường. Trên thế giới chỉ duy nhất công ty ASML của Hà Lan mới chế tạo được máy quang khắc, công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan cũng phải mua lại máy này nếu muốn gia công chip. Tổng thống Trump đã yêu cầu công ASML không cung cấp máy quang khắc cho Trung Quốc. “Đồng minh tốt không bán loại thiết bị này cho Trung Quốc”. Đây chính là mắt xích quan trọng nhất trong cả chuỗi cung ứng chip trên toàn thế giới.

Về công nghệ, từ nãy giờ chúng ta quên mất người khổng lồ Nga. Ngoài Mỹ và Anh ra thì Nga cũng đã âm thầm tự thiết kế và sản xuất cho mình bộ vi xử lý riêng.

Chip Elbrus được công ty MCST thiết kết và sản xuất. MCST viết tắt của Moscow Center of SPARC Technologies. Nếu bạn nào làm công nghệ có thể thấy cái tên SPARC có vẻ quen thuộc. SPARC chính là kiến trúc tập lệnh được hãng Sun và Fujitsu. SUN chính là nhà sản xuất máy tính lớn trên thiết kế RISC, sau này được Oracle mua lại. Và chính các nhà thiết kế SPARC này là những người đã tạo nên các con chip Elbrus đầu tiên. Vào cuối những năm 80 đầu 90 SUN đi vào nút cổ chai công suất chip và đã phải nhờ đến người Nga. Nhóm làm Elbrus ở Leningrad và nhóm tính toán song song ở Matxcơva đã hợp lại để thiết kế SPARC cho SUN, thiết kế đó thừa kế nhiều ý tưởng từ chip Elbrus do Gluskov và nhóm Leningrad làm trước đó. Vladimir Pentkovski tham gia thiết kế chip Elbrus-1 và Elbrus-2 chính là người đứng đầu nhóm thiết kế Pentium III của Intel, thiết kế lõi Tualatin của nó chính là cơ sở để tạo nền tảng cho kiến trúc vi mô Core mà Intel vẫn sử dụng đến bây giờ (hơn hẳn lõi của Pentium IV thế hệ sau). Boris Artashesovich Babayan – người đứng đầu nhóm thiết kế Elbrus-3 và Elbrus 2000 sau đó là Giám đốc thiết kế của Intel và đứng đầu nhóm phát triển của Intel tại Moscow. Như vậy ngay từ đầu người Nga đã nắm vững trong tay công nghệ thiết kế chip và về mặt nào đó chínhh họ góp phần vào sự phát triển công nghệ bán dẫn của người Mỹ. Tuy thua xa Mỹ và Nhật về thương mại sản phẩm dân dụng nhưng về sức mạnh thì con chip mới nhất là Elbrus-16S có 16 nhân đạt tốc độ tính toán 750 Gflops, còn chip Intel Core i9-11900 thì là 666 Gflops. Tuy nhiên rất khó so sánh nếu chỉ dựa trên vài con số đơn thuần do 2 dòng chip có thiết kế khác nhau. Elbrus được thiết kế trên kiến trúc VLIW trong khi Intel được thiết kế trên kiến trúc riêng. Dòng chip Elbrus trước đây cũng được gia công tại Đài Loan nhưng hiện nay toàn bộ chip Elbrus đều đã được sản xuất tại Nga. Như vậy Nga không lệ thuộc vào nước nào trong chuỗi cung ứng của công nghệ bán dẫn này. Ngoài Elbrus với dòng chip cho máy tính bàn và máy chủ thì Nga còn có công ty Baikal sản xuất chip trên kiến trúc ARM (được sử dụng trên tất cả thiết bị smartphone hiện nay) lẫn MIPS 32. Như vậy Nga đang sở hữu công nghệ sản xuất chip rất đa dạng và khá chủ động.

Việc này ảnh hưởng gì đến trật tự thế giới? Nga cũng không hề tin tưởng gì Trung Quốc, đất nước nào có chung biên giới với Trung Quốc đều luôn phải cẩn thận. Nhưng kẻ thù của kẻ thù thì có thể tạm coi là bạn. Nga cũng đang rất cần một đối tác chiến lược trong khi đang bị bao vây trên nhiều mặt trận. Nga đang phải giải quyết vấn đề chảy máu chất xám công nghệ. Rất nhiều bộ óc xuất sắc và nhân tài trẻ đều chạy sang phương Tây với nhiều lí do (chính trị, thu nhập thấp,…). Tuy khả năng làm chủ công nghệ của Nga vẫn rất cao, nhưng người Nga vốn không giỏi trong việc kiếm tiền từ công nghệ. Trung Quốc lại rất giàu kinh nghiệm trong việc này, việc bắt tay nhau giữa 2 nước này một cách âm thầm là không tránh khỏi.

Bị chặn các bằng sáng chế từ phía Mỹ, khả năng nghiên cứu và phát triển không cao, nhiều tập đoàn của Trung Quốc đã đầu tư cho các viện nghiên cứu và công ty tư nhân của Nga để phát triển các công nghệ cho các sản phẩm của mình. Huawei đã đổ rất nhiều tiền cho người Nga trong việc nghiên cứu công nghệ bán dẫn và máy tính lượng tử nên đã rút ngắn được rất nhiều thời gian phát triển.

Việc bắt tay này có vẻ như khá tốt đẹp và có lợi cho cả đôi bên, nhưng người Nga sẵn sàng cống hiến công nghệ của mình cho Trung Quốc đến đâu, mối quan hệ này có thể tạo ra những sản phẩm gì và ảnh hưởng đến thế giới? Có lẽ còn sớm để khẳng định, nhưng nó xứng đáng để chúng ta theo dõi. Việt Nam còn thua kém Trung Quốc ở việc không nhanh nhạy tạo dựng một mối quan hệ như vậy, trong khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga có thể còn tốt hơn với Trung Quốc. Chúng ta sẽ lại chậm chân khi không nắm lấy được các công nghệ lõi từ người đàn anh, trong khi Mỹ chắc chắn sẽ không chuyển giao cho chúng ta rồi.

Sau công nghệ bán dẫn thì nền văn minh của loài người sẽ tiến tới công nghệ gì tiếp theo. Theo suy nghĩ riêng của người viết thì có 2 công nghệ sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến loài người: đấy là công nghệ năng lượng nhiệt hạch và công nghệ lượng tử.

Nếu năng lượng hạt nhân là tạo năng lượng từ việc phân tách hạt nhân thì năng lượng nhiệt hạch lại tạo năng lượng từ việc tổng hợp hạt nhân. Năng lượng hạt nhân tuy không trực tiếp gây ô nhiễm môi trường nhưng tạo ra nhiều chất thải phóng xạ, lượng chất thải này không xử lý được mà phải chôn xuống đất, đồng thời cũng ảnh hưởng môi trường rất nhiều khi có sự cố (và đã xảy ra nhiều lần). Trong khi năng lượng hợp hạch lại rất sạch và có thể tạo ra nguồn năng lượng gần như vĩnh cửu. Nó sẽ thay thế hoàn toàn các nguồn năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch. Sở hữu 1 nguồn năng lượng vĩnh cửu và độc lập là giấc mơ từ xa xưa của con người. Đã từng có lúc con người gần chạm được đến đích thì bị ngăn chặn bởi các ông chủ dầu mỏ. Nhưng nhu cầu về năng lượng của con người đã rất cao, rất cần một nguồn năng lượng thay thế. Và các vũ khí hiện đại cũng rất cần một nguồn năng lượng độc lập cao, cũng như để thực hiện giấc mơ chinh phục không gian của con người, chế tạo những con tàu chạy nhiều năm trong vũ trụ.

Máy tính sử dụng chip bán dẫn đã đến giới hạn và khó có thể phát triển tiếp theo định luật Moore. Và các cường quốc mạnh nhất thế giới đều đang nghiên cứu và phát triển máy tính lượng tử. Tại sao nó quan trọng? Máy tính lượng tử hoạt động dựa trên hoạt động của cơ học lượng tử. Đây là một vũ khí quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Chúng ta đã nói đến chiến tranh truyền thống, chiến tranh thương mại, và với kỷ nguyên hiện đại là chiến tranh mạng, và nó vẫn đaang diễn ra hàng ngày, hàng giờ với các đội quân mạng. Tất cả những giải pháp bảo mật mà chúng ta đang dùng đều chỉ dựa trên các hệ thống mật mã. Và không có một hệ thống nào là an toàn, vì tất cả đều có thể bị phá. Tuy nhiên các mật mã chỉ có thể bị phá trong vòng rất nhiều năm với các siêu máy tính sử dụng công nghệ bán dẫn hiện tại, vì vậy về thực tế là nó an toàn. Tuy nhiên với máy tính lượng tử, các loại mật mã sẽ được phá trong vài phút, nó sẽ là một vũ khí khủng khiếp trong chiến tranh thông tin. Và máy tính lượng tử sẽ thay thế hoàn toàn cách chúng ta lập trình, cách hoạt động của các hệ thống hiện tại. Và tương lai của máy tính là đây, nếu các bạn đi học lập trình nên đi học về lập trình trên máy tính lượng tử, vì cách tư duy sẽ rất khác. Để giải thích một cách đơn giản thì các ngôn ngữ lập trình và máy tính hiện đại đều tính toán trên cơ chế nhị phân, tức là hai trạng thái 0 và 1, đúng và sai. Tuy nhiên máy tính lượng tử có thể cùng lúc nhận hai giá trị 0 và 1 cùng một lúc, điều này thay đổi hoàn toàn cách tư duy và tính toán hiện nay. Ngay cả ngành bảo mật thông tin cũng thay đổi hoàn toàn khi áp dụng mật mã hậu lượng tử.

Nếu các bạn đang băn khoăn cho con làm nghề gì để nắm lấy tương lai thì ở trên là hai gợi ý nhỏ cho các bạn. Ở trong thời thời điểm giao thời như hiện nay, ai là người nắm bắt công nghệ mới sẽ có một nền văn minh phát triển mạnh mẽ, nếu Việt Nam nhanh chóng nắm bắt thì sẽ là cơ hội lớn, như thế mới gọi là đi tắt đón đầu. Chứ không phải nhân loại sử dụng năng lượng nhiệt hạch thì ta đi mua công nghệ hạt nhân, mọi người sử dụng máy tính lượng tử thì ta mua dây chuyền sản xuất bán dẫn.

N.H.V

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan