Chủ Nhật 17, Tháng Tư 2022, bởi Cong_Chi_Nguyen
Theo kế hoạch dự kiến ngày 4/5/2022 sẽ khai trương Phòng trưng bày thứ hai của Bảo tàng Công nghệ Thông tin. Do phần lớn hiện vật sẽ được ảo hoá bằng kỹ thuật 3D, cho nên Bảo tàng này gọi tắt tiếng Anh là VMIT (VIRTUAL MUSEUM OF INFORMATION TECHNOLOGY).
Giới thiệu chung
Bảo tàng VMIT toạ lạc tại số 89 ngõ 41 Đông Tác, phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đây là địa chỉ nhà riêng của TS Nguyễn Chí Công, người trực tiếp tham gia nhiều đề án CNTT khác nhau trong suốt 50 năm qua. [1]
Bảo tàng VMIT là công trình thực hiện một mong muốn ấp ủ từ rất lâu của TS Nguyễn Chí Công nhằm lưu trữ và giới thiệu cho công chúng những hiện vật và tư liệu quý hiếm liên quan đến lịch sử phát triển CNTT của thế giới và trong nước. Công trình này vừa để tưởng niệm công lao của các bậc tiền bối đã khuất và các nhóm CNTT đi trước, vừa để góp phần truyền lửa cho các thế hệ đi sau.
Bảo tàng bắt đầu mở cửa Phòng trưng bày thứ nhất vào ngày 27/1/2020 đúng mùng 3 Tết Canh Tý và dự kiến ngày 4/5/2022 sẽ khai trương Phòng trưng bày thứ hai nhờ công sức của gia đình chủ nhân và cộng sự cùng với sự tiếp tục đóng góp không vụ lợi của các nhà hảo tâm.
Phòng trưng bày thứ Nhất
Phòng này nằm ở tầng Một, vốn là gara của gia đình chủ nhân. Tại đây có các bảng di động để trình bày ảnh và tóm tắt tiểu sử một số nhân vật liên quan đến CNTT Việt Nam. Ngoài ra còn đặt thiết bị quay video và màn hình phục vụ hội họp từ xa. Trên hai bức tường đối diện có 2 bảng cố định để minh họa:
- Lược sử phát triển CNTT thế giới
- Lược sử phát triển CNTT trong nước
Trong phòng thứ Nhất còn đặt các tủ trưng bày 3 nhóm hiện vật và tư liệu:
- Các thiết bị CNTT tiêu biểu
- Các cấu kiện CNTT và truyền thông
- Các phần mềm, phần cứng và ấn phẩm CNTT ban đầu của Việt Nam.
Phòng trưng bày thứ Hai
Đây vốn là phòng khách của gia đình chủ nhân ở tầng Hai, nay được thêm chức năng thư viện. Hiện nay chủ yếu gồm có 5 tủ lớn trưng bày:
- Các thiết bị CNTT đặc sắc
- Các cuốn sách lý thuyết và thực hành CNTT
- Các ấn phẩm giáo dục, lịch sử, văn hoá và nghệ thuật
Trong phòng thứ Hai còn đặt 4 tủ nhỏ trưng bày:
- Các chương trình hệ thống và phần mềm ứng dụng
- Các kỷ niệm chương và kỷ vật khác của chủ nhân.
- Các album ảnh sự kiện và nhân vật liên quan đến CNTT Việt Nam.
Phần lớn những hiện vật của Bảo tàng VMIT đã được chính TS Nguyễn Chí Công sử dụng và cất giữ kể từ khi trở thành kỹ sư tin học vào đầu thập kỷ 1970 và liên tục làm nghề này cho đến nay. Số còn lại là do cộng đồng khắp nơi gom góp và trao tặng gần đây, đặc biệt từ KS Dương Quang Thiện và CN Ngô Trung Việt. Một trong những đề án CNTT có tính đột phá lịch sử là thực hiện VT80, chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam đã chào đời tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển vào năm 1976.
Đội ngũ VMIT xin tiếp tục tỏ lòng biết ơn những nhà hảo tâm đã hiến tặng hiện vật hoặc tài trợ và kêu gọi cộng đồng hợp tác nhằm góp phần cho bảo tàng này mở rộng hoạt động và có thể đón tiếp thêm thật nhiều khách tham quan.
Quan hệ và hợp tác
Mỗi hiện vật đều có sức sống vượt thời gian qua lời giới thiệu của người trong cuộc. Mặc dù bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, chỉ trong hai năm đầu tiên sau khi ra mắt, Bảo tàng VMIT đã bất ngờ thu hút hàng nghìn lượt khách bốn phương đến thăm, được giới truyền thông và cộng đồng mạng đưa tin rộng rãi. Kết quả nổi bật về mặt giáo dục gần đây là sự hợp tác thường xuyên và hiệu quả với FUNIX.
Bên cạnh việc thực hiện Hệ thống thông tin du lịch Hà Nội nhằm quảng bá hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô Hà Nội và vùng lân cận, hiện nay TS Nguyễn Chí Công cùng các cộng sự đang tiến hành xây dựng một phiên bản bảo tàng ảo nhằm trưng bày những hiện vật và tư liệu của Bảo tàng VMIT được thể hiện bằng công nghệ 3D trên không gian mạng.
Bảo tàng không bán vé. Quý khách có nhu cầu tham quan xin liên hệ trước để thống nhất chương trình làm việc:
- Thư ký: Nguyễn Phương Mai
- Điện thoại: 0379.892.886
- Địa chỉ: số 89, ngõ 41 Đông Tác, p. Kim Liên, q. Đống Đa, TP Hà Nội
- Chỉ đường: Đến 167 Phương Mai rẽ phải vào Ngõ 41 Đông Tác.
BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VMIT