BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Alain Teissonnière ’CPU’ đầu tiên của máy tính Việt Nam đã yên nghỉ

Thứ Sáu 24, Tháng Tư 2009bởi Cong_Chi_Nguyen

Trong bài xin được gọi là Alain như người Pháp kêu tên bạn thân vì một thời tôi đã làm việc dù không trực tiếp nhưng biết về anh tương đối rõ. Tôi coi Alain là CPU (bộ óc) đầu tiên và cha đỡ đầu của ngành vi tính Việt Nam cách đây hơn 30 năm.

KS A.Teissonnière và GS Phan Đình Diệu. Photo ©NCCong 1979

Ngày 20/4/2009 [1], trái tim của Alain Teissonnière, người bạn lớn của giới tin học Việt Nam, đã ngừng đập tại bệnh viện St Louis, Paris, hưởng thọ 72 tuổi. Người bạn Pháp ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho thế hệ làm tin học vài thập kỷ kể từ năm 1977.

Tôi nhớ về Alain, một người gầy, ít nói, sống khiêm nhường, không thích được đăng báo hay cố giơ mặt trước ống kính tivi. Chỉ khi nghe thuyết trình về vi tính mới biết sức mạnh tri thức công nghệ và tầm nhìn xa tiềm ẩn trong anh. Chúng tôi vẫn luôn tự hỏi, tại sao một con người sống ở Paris hoa lệ lại dấn thân vì người nghèo ở xa xôi. Alain yêu đất nước này quá nên có người đã nghi anh làm gián điệp cho CIA hay Phòng Nhì.

Những năm cuối 1970 đầu 1980, nhìn cơm trong cặp lồng với vài ngọn rau muống và quả cà của cán bộ trong Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (VKHTT ĐK – sau này đổi tên là Viện Công nghệ Thông tin), anh quay đi lau nước mắt. Nhưng Alain vẫn cả quyết, công nghệ IT sẽ giúp mang đến thịt cá trong mâm cơm nếu Việt Nam biết giành lấy cơ hội.

Trong vai trò chuyên gia và cả ở cương vị Tổng thư ký Ủy ban vì Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam (Comité pour la Coopération Scientifique et Technique avec le Viet Nam), Alain đã sang làm việc tại Việt Nam rất nhiều lần, tìm tài liệu, học bổng và giới thiệu nơi làm việc tại Pháp cho hàng trăm thực tập sinh hoặc nghiên cứu sinh nước ta. Hàng trăm lượt chuyên gia Pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sang giúp nước ta do anh giới thiệu. Ngoài ra, Alain còn tham gia giúp đỡ các nạn nhân của chất độc mầu da cam.

Anh được trao tặng giải thưởng năm 2005 của Liên đoàn Thực chứng Pháp (Prix de l’Union Rationaliste) và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Năm 1977, lần đầu Alain đến thuyết trình về kỹ thuật vi xử lý tại Viện, nơi có chiếc máy ODRA mua của Ba Lan giá hàng triệu rúp, chiếm mấy gian hầm chống B52 tại Đồi Thông trong làng Liễu Giai (Ba đình, Hà Nội). Chiếc máy ODRA này là niềm tự hào tin học của miền Bắc lúc đó.

Anh tiên đoán kỹ thuật vi tính sẽ thay thế chiếc ODRA cồng kềnh kia và sức mạnh tính toán sẽ được đặt trên chiếc bàn làm việc chứ không phải trong một căn nhà đồ sộ, tốn kém. Không ai tin được, kể cả những vị công tác lâu năm.

Hôm nay, ít người nhớ nước ta đã xuất xưởng chiếc máy vi tính đầu tiên của Châu Á từ phòng thí nghiệm tại Viện KHTTĐK. Có người cãi rằng đó chỉ là lắp ráp theo mẫu. Thôi cứ cho như thế, vì thật ra dân khoa học nhà ta không thích phục người khác. Chiếc máy được thiết kế với chip Intel 8080A nên anh em kỹ sư đặt tên là VT80, VT có nghĩa là vi tính. Người giúp cho VT80 ra đời không ngoài ai khác mà chính là Alain và đội ngũ kỹ sư trẻ của Viện, học trò của anh.

Đồng hoa Liễu Giai và các ụ pháo cao xạ. Photo ©NCCong 1977

Thế hệ sau của VT80 là VT8X được mang đi ứng dụng thử vào quản lý vật tư cho xí nghiệp may Sinco tại Sài gòn vào năm 1981. Phần lập trình đều viết bằng ngôn ngữ bậc thấp assembler. Chiếc máy đó đã chứng minh rằng, vi tính là tương lai của công nghệ thông tin và sức mạnh tính toán có thể đặt trên một chiếc bàn.

Người viết bài này rất nhớ lần mang chiếc VT8X đến Hội nghị thành ủy Sài gòn để trình diễn vào giờ nghỉ trưa, được các vị Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và Mai Chí Thọ nghe rất chăm chú qua lời giới thiệu rất PR của PTS trẻ Vũ Duy Mẫn. Ông Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt hỏi đùa một câu “Giá chiếc máy bé xíu này tương đương với mấy tấn lúa?”.

Khi đó, khu vực Châu Á nói chung, trừ Nhật Bản ra, còn rất lạ lẫm với vi xử lý. Các đoàn từ Thái Lan, Nam Triều tiên, Singapore, Malaysia hay Ấn Độ đến thăm Viện nườm nượp, một nơi mà dân làng ở khu vực này vẫn dùng phân tươi, nước giải để tưới hoa và rau, đi vệ sinh phải đeo khẩu trang.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên thăm hỏi GS Phan Đình Diệu, vị đứng đầu ngành tin học, hay người chủ trì đề tài vi tính Nguyễn Chí Công về những tiến bộ đạt được. Cuối năm 1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Viện, thấy hoàn cảnh cơ cực của những nhà khoa học nên đã giao cho Phó thủ tướng Đồng Sĩ Nguyên, khi xây Viện Toán học trên Nghĩa Đô, phải dành một phần cho phòng thí nghiệm vi tính, để khách quốc tế đến thăm đỡ thấy đất nước mình quá khổ.

Quan hệ XHCN với các nước tư bản như Pháp lúc đó rất khó khăn, kèm theo cấm vận của Mỹ nhất là nhập khẩu công nghệ. Từ lãnh đạo đến cán bộ trẻ của Viện, sang Paris thực tập, khi về nước mang trong va li những linh kiện vi tính, dù với số tiền đó, họ có thể mua thêm một cái xe máy, tương đương một căn hộ lắp ghép Thành Công. Không thể nhập khẩu chip theo đường chính thức nên xách tay. Thử tìm thời nay còn mấy ai vì đất nước như thế. Nói đến hàng xách tay, người ta chỉ nhớ đến phi công bị bắt bên Nhật vì mang đồ ăn cắp hay vali sừng tê giác Nam Phi…

TTg Phạm Văn Đồng với CCSTV: H.V.Regemorter bên phải, Y.Capdeville phát biểu, A.Teissonnière đứng cạnh gương. Photo ©NCCong 1977 Paris

Tất cả những thành công sáng chói bước đầu của nền vi tính Việt Nam đều có dấu ấn của Alain và những cán bộ năng động hết lòng vì khoa học của Viện, dù chỉ dừng ở phòng thí nghiệm. Do cấm vận của Mỹ, không thể nhập công nghệ để sản xuất đại trà và do tầm nhìn hạn hẹp hay lợi ích nhóm nên chiếc máy vi tính VT80 không thể bơi ra biển lớn.

Hôm nay chiếc CPU hiệu “Alain Teissonnière” đã ngừng xử lí. Anh đã đi xa, chúng ta mất một người yêu quí trong khi tìm thêm bạn mới lại rất khó. Rất có thể khi trên giường bệnh, Alain nghĩ đến các nước Singapore, Hàn Quốc hay xa hơn là Ấn độ với chút thoáng buồn khi thấy Việt Nam bị bỏ lại phía sau, mà một thời ta đón họ đến học hỏi tại làng Liễu Giai thuở nào.

Nếu nắm bắt được vận hội, có lẽ hôm nay trong cặp lồng cơm có nhiều hơn cả thịt cá. Dịp may hiếm có 30 năm trước để vi tính Việt Nam trở thành thương hiệu quốc tế đã bị phai phí. Dẫu vậy, di sản của Alain Teissonnière để lại cho nền tin học Việt Nam, tầm nhìn xa về công nghệ và dấu ấn sâu đậm về tấm lòng của một người bạn Pháp vì người nghèo ở xứ Đông Dương sẽ sống mãi với thời gian.

Bài đăng trên Tiền Phong Online

Gửi từ Washington DC

TS Giang Công Thế

* Bài viết có tham khảo tư liệu của NCCông—ĐÔNG TỈNH

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan