BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Khởi nguồn cho sức mạnh mềm của quốc gia

Năm học 2021-2022, học sinh khối lớp 6 trên cả nước đã được học theo Chương trình và sách giáo khoa mới, trong đó mô hình giáo dục STEM lần đầu tiên được chính thức đưa vào giảng dạy, một dấu mốc quan trọng góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Năm học 2022-2023, học sinh khối lớp 10 tiếp tục học Chương trình và sách giáo khoa mới, bao gồm cả mô hình giáo dục STEM.

STEM không chỉ là lập trình và robot?

Là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể giáo dục STEM được nhắc tới ở Việt Nam xấp xỉ 20 năm về trước, bắt đầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm giảng dạy trong một số trường phổ thông từ cách đây chừng 5 năm. Giáo dục STEM đang thành xu thế trông đợi của cả phụ huynh lẫn học sinh Việt Nam để hiện thực hóa ước mơ vốn dĩ là đương nhiên trong nền giáo dục ở các quốc gia tiên tiến: học đi đôi với hành, phát triển năng lực bản thân.

CLB robot trường Tiểu học Nam Tiến, Nam Trực, Nam Định được trang bị máy in 3D, máy cắt lazer CNC và nhiều robot để học sinh lập trình theo kiểu kéo-thả. Tất cả học sinh của nhà trường từ lớp 3 trở lên đều được xóa mù lập trình

Thay vì học riêng rẽ, giáo dục STEM giúp học sinh tiếp cận Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Maths (toán học)… như một cách tiếp cận liên môn học theo tinh thần học thông qua thực làm, giải quyết vấn đề theo nhiều hướng, nhiều lựa chọn để tìm ra đáp án phù hợp nhất. Cùng với sự bùng nổ của internet và các thiết bị kết nối internet: điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay…, giáo dục STEM đã thành nguồn cảm hứng của xã hội, nhất là trong các gia đình có con em theo học phổ thông. Ngay bên ngoài khuôn khổ nhà trường, giáo dục STEM len lỏi vào đời sống của phụ huynh và học sinh ở nhiều ngóc ngách: các trại hè STEM, khóa học lập trình STEM, khóa học lập trình robot, các khóa đào tạo kỹ năng sống theo mô hình STEM, sách hướng dẫn thực hành STEM…

Theo chương trình phổ thông mới, tin học chỉ là một trong 9 môn tự chọn của học sinh với hai chuyên đề tự chọn: “Tin học ứng dụng” và “Khoa học máy tính”. Như vậy dễ dàng dự báo, sẽ có ít học sinh chọn học chuyên đề “Khoa học máy tính”, hơn nữa đây lại là lĩnh vực mới nên tồn tại tình trạng thiếu giáo viên cũng như cơ sở vật chất. Dù mang lại nhiều tiến bộ, cho học sinh nhiều lựa chọn nhưng nguy cơ đại đa số học sinh phổ thông của Việt Nam vẫn chưa được Xóa mù lập trình (Coding Literacy) là vấn đề cần phải được các cấp chính quyền và ngành giáo dục quan tâm nghiêm túc. Xóa mù lập trình (Coding Literacy) không chỉ góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn thúc đẩy nhận thức cho số đông người tiêu dùng công nghệ cao, một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra sức mua cho nền kinh tế có định hướng chuyển đổi số và chống biến đổi khí hậu, như cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Khác với sự hứng khởi của dư luận, STEM không đơn thuần là học lập trình, lắp ráp robot, mà còn là sự tích hợp liên môn bao trùm cả thiên văn học, hóa học, sinh học, toán học, vật lý, môi trường, bổ trợ tối đa giúp học sinh vẫn tiếp thu toàn diện cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội… Theo ghi nhận từ các cuộc hội thảo khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi xướng suốt nhiều năm qua để triển khai và áp dụng mô hình giáo dục STEM, lựa chọn mô hình giáo dục tiên tiến cũng chính là sự thay đổi nhận thức về giáo dục phổ thông để đáp ứng với đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều học sinh và phụ huynh dù hào hứng tham gia các hoạt động STEM ngoại khóa ngoài trường học nhưng lại chưa mặn mà học chính khóa một phần vì e ngại các kỳ thi chưa tương thích với chương trình học.

Hình thành thế hệ người tiêu dùng mới

Chúng ta thường hay nói “khách hàng là thượng đế” nên nhu cầu của khách hàng có sức mạnh ghê gớm trên thị trường và trên quy mô quốc gia thì đó chính là sức mua của quốc gia đó. Người Mỹ đã dùng giáo dục STEM ở bậc phổ thông để tạo nên một sức mạnh mềm của nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hãy quan sát một thí dụ từ thị trường Mỹ trong ngày giao dịch đầu năm mới 2022. Theo Bloomberg Wealth, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã lại một lần nữa có tổng tài sản vượt mốc 300 tỷ đô-la Mỹ, đồng thời lập kỷ lục tăng trưởng tài sản 33,8 tỷ đô-la trong một ngày 3/1/2022. Trong năm 2021, do nắm giữ nhiều cổ phiếu của Tập đoàn Công nghệ vũ trụ SPACE-X và Tập đoàn TESLA về ô-tô điện và năng lượng sạch, Elon Musk cũng đã từng đạt mốc tài sản 340 tỷ đô-la, vượt qua John D. Rockefeller (sau khi tính các yếu tố điều chỉnh lạm phát) để trở thành người giàu nhất nước Mỹ và thế giới trong lịch sử hiện đại. Những thông tin về Elon Musk cho thấy quyết tâm của chính phủ Mỹ, giới đầu tư Mỹ, người tiêu dùng Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mang tính chất sinh tồn của nước Mỹ và nhân loại.

Xét về mặt kinh tế thì cuộc chiến này được định hướng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật mới trong chuyển đổi số và năng lượng sạch, trong đó nhận thức về biến đổi khí hậu và năng lực sử dụng công nghệ của người tiêu dùng Mỹ có vai trò quyết định, bởi mỗi một chiếc xe ô-tô điện thực chất còn là một con robot được tích hợp nhiều công nghệ khác nhau bao gồm cả AI (trí tuệ nhân tạo). Chiến lược thúc đẩy giáo dục STEM mà nước Mỹ đã khởi động từ khá lâu ở bậc phổ thông đã thúc đẩy các công ty công nghệ không ngừng sáng tạo.

Ở Việt Nam, giáo dục STEM cũng hứa hẹn đào tạo nhận thức khoa học tự nhiên và năng lực sử dụng công nghệ cho học sinh, các công dân tương lai, những người tiêu dùng trong tương lai. Khi những học sinh hôm nay, ngay từ bậc tiểu học đã tự tin, chế tạo và lắp đặt một con robot không phải việc ngoài tầm tay, khi những đứa trẻ ngay từ tuổi chơi đồ hàng đã lờ mờ hiểu rằng những vật dụng tự động hóa ngay trong gia đình đều là sản phẩm của công nghệ cao, sẽ dần thay đổi và hình thành tập quán tiêu dùng cho thế hệ người Việt có ý thức về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Giáo dục STEM nói chung và Xóa mù lập trình cho học sinh cả nước sẽ tạo đà thúc đẩy sức mua của nền kinh tế, một sức mạnh góp phần thay đổi vị thế cường quốc của Việt Nam trong tương lai gần.

Đỗ Hoàng Sơn
ND hằng tháng số tháng 1/2022

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan