Nguyễn Trinh Anh
Thứ Ba 17, Tháng Chín 2013, bởi BTV
Tiếp tục loạt hồi ức về các nhà giáo Việt Nam, BBT xin chia sẻ bài viết ngắn gọn và chân thành sau đây.
Thầy Nguyễn Văn Ba nhận học vi phó tiến sĩ tại Ba Lan, về Việt Nam Thầy nhận dạy lớp chúng tôi. Vậy khóa 13 là khóa đầu tiên được Thầy dạy chuyên ngành. Năm 1972 Mỹ gây chiến trở lại miền Bắc, chúng tôi đi sơ tán lên vùng trung du Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang, vẫn học tập, ngay cả trong thời gian máy bay B52 của Mỹ ném bom rải thảm Hà Nội và các nơi khác. Vì đang là thời chiến nên lớp học của chúng tôi nửa chìm nửa nổi so với mặt đất, đúng nghĩa là nhà tranh vách đất. Ánh mặt trời chiếu vào lớp chẳng được là bao, nên lớp học thường tối lờ mờ. Ngược với cảnh thiếu ánh sáng đó, chúng tôi được các Thầy Cô khai sáng biết bao kiến thức. Qua những bài giảng của Thầy Ba, chúng tôi đã biết đến Turing, Von Neumann và nhiều điều khác nữa. Thầy đã giúp chúng tôi gây dựng niềm tin cùng sự say mê đối với ngành học còn khá mới mẻ vào thời gian đó.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi trở thành giáo viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng bộ môn với Thầy Ba. Vậy là cơ may đã đến với tôi, tôi lại tiếp tục được Thầy truyền đạt kiến thức chuyên môn qua các buổi xemine, các đề tài nghiên cứu khoa học, . . . Thầy đã giúp tôi nhiều trong quãng thời gian khởi nghiệp của tôi. Trong thời gian học tiếp cao học, tôi lại được nghe nhiều chuyên đề do Thầy Ba đảm nhận, về những lĩnh vực tuy khó nhưng thực sự có ích cho người học. Kết thúc khóa học, Thầy hướng dẫn tôi làm luận án tốt nghiệp cao học. Nhận đề tài tốt nghiệp của Thầy Ba, đòi hỏi học sinh phải cố gắng rất nhiều mới hoàn thành được nhiệm vụ. Luận án cao học của tôi đã được HỘI ĐỒNG CHẤM TỐT NGHIỆP đánh giá cao. Tôi là một trong số ít học trò có may mắn được Thầy dìu dắt nhiều nhất, từ khóa học đại học cho đến CAO HỌC. Giá như tôi đủ sức khỏe để làm nghiên cứu sinh, thì chắc rằng Thầy Ba sẽ nhận là giáo viên hướng dẫn của tôi.
Thầy Ba đã viết nhiều sách giáo trình chuyên ngành quan trọng như: “Ngôn ngữ hình thức”, “Lý thuyết ngôn ngữ và tính toán”, “Phân tích thiết kế hệ thống thông tin quản lý”, “Phân tích thiết kế hướng đối tượng với UML”, . . . Đây là những tư liệu có giá trị không chỉ cho sinh viên, mà còn cho cả các giáo viên dạy môn này. Ngoài ra thầy đã viết xong cuốn “Trình Biên dịch”. Cuốn này Thầy viết rất công phu, nhưng rất tiếc là viết xong đã hai năm nay mà Thầy không tìm được nơi để in, vì nhà xuất bản cứ sợ lỗ (bởi người ta cho rằng sách này quá kén người đọc và sẽ khó bán). Còn phải kể đến cuốn “Bài tập và bài thực hành UML” và cuốn “Bài tập Cấu trúc dữ liệu và Giải thuật” mà Thầy đã ngừng soạn tiếp, vì Thầy nghĩ rằng viết xong mà không in được thì thật đáng tiếc.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi là người đầu tiên được phân công kế tiếp Thầy Ba dạy môn Phân tích thiết kế hệ thống thông tin quản lý. Trong quá trình giảng dạy, tôi đã kế thừa phần bài giảng của Thầy Ba, đồng thời tự xây dựng một thiết kế làm thí dụ mẫu cho môn học này. Giáo trình Phân tích thiết kế hệ thống thông tin quản lý này đã thực sự có ích cho người xây dựng phần mềm quản lý.
Trong suốt bốn mươi năm qua, tôi đã cố gắng nhiều để xứng đáng là học trò của Thầy, PGS TS Nguyễn Văn Ba. Cũng nhờ vậy mà tôi thấy thật đáng suy ngẫm về ý kiến của một cựu sinh viên khóa 13, anh Nguyễn Đăng Hà viết về các Thầy Cô: “Tôi phải nói lên một sự thật đáng buồn, suốt bao nhiêu thế hệ sinh viên nhưng chưa ai trong chúng tôi vượt qua được các Thầy Cô ngày ấy. Những Thầy Cô đáng nể về kiến thức và nhân cách: Các Thầy Cô Khoa Toán Lý, ĐH Bách khoa Hà Nội”.
Năm nay 2012, Thầy Ba tròn tám mươi tuổi, xin kính chúc Thầy mạnh khỏe và vẫn dành nhiệt tình cho việc viết những trang giáo trình có giá trị cao. Xin kính chúc thọ Thầy bằng câu đối cổ:
“Phúc như Đông hải, Thọ tỷ Nam sơn.”
Nguyễn Trinh Anh – Cựu sinh viên Lớp Toán khóa 13 – Cựu giáo viên Đại học Bách khoa Hà Nội.