BẢO TÀNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

“Máy tính” ra đời từ 2000 năm trước

                                                         

Thứ Hai 4, Tháng Tám 2008bởi Cong_Chi_Nguyen

Sơ đồ cơ khí của cỗ máy nổi tiếng với cái tên “machine Antikythera” vì đã được một nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1902 trong đống đồ cổ vớt trước đó 2 năm cùng các bức tượng đẹp từ xác một con tàu đắm tại đảo Antikythera thuộc Hy Lạp.

Mẫu dựng lại của máy

Con tàu được cho là bị chìm vào khoảng 80-60 năm trước CN trên đường chở đồ quý của Hy Lạp dâng lên Tổng tài La Mã Julius Cesar, sau khi xuất phát từ đảo Rhodes, một trung tâm kỹ thuật thiên văn và cơ khí thời đó. Nhóm thám hiểm hải dương của viện sĩ Pháp Jacques-Yves Cousteau đã đến thăm nơi tàu đắm gần đảo Antikythera lần cuối vào năm 1978 nhưng không tìm thêm được gì đáng giá.

“Máy Antikythera” hiện trưng bày tại Viện Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia ở Athens, cùng với một mẫu tặng của sử gia khoa học Anh Derek de Solla Price dựng lại cách đây hơn nửa thế kỷ. Các mẫu dựng lại khác được trưng bày tại Viện Bảo tàng Máy tính Mỹ ở Bozeman, Montana và Viện Bảo tàng Trẻ em ở Manhattan, New York.

Gần đây, GS Michael Edmunds cùng một nhóm nghiên cứu khoa học Mỹ, Hy Lạp và các đồng nghiệp của ông thuộc Đại học Cardiff (Anh) đã khám phá thêm nhiều bí mật của chiếc máy kỳ lạ này, được chế tạo vào khoảng 150-200 năm trước CN, từ đó có thể thay đổi cách chúng ta nghĩ về thế giới cổ đại.

“Máy Antikythera” khá nhỏ: cao 33 cm, rộng 17 cm và dày 9 cm, làm bằng đồng, lúc đầu gắn trên một khung gỗ, có khắc hơn 3000 chữ Hy Lạp và Ai Cập cổ đã mờ mà phần lớn đến mãi gần đây mới được giải mã là một phần tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị đo đạc thiên văn. Lạ nữa là những máy móc có độ phức tạp tinh vi tương tự chỉ bắt đầu được làm ra sau nó hàng chục thế kỷ và sự thụt lùi công nghệ này trong hơn nghìn năm đó thật khó giải thích.

Sau khi phân tích 3 bộ phận chính cùng hàng chục mảnh vỡ còn lại, các nhà nghiên cứu phát hiện hơn 30 bánh răng trong chiếc máy nói trên cho phép theo dõi chuyển động của các hành tinh như sao Hoá (Mars), sao Kim (Venus), sao Thuỷ (Mercury), với độ chính xác của một máy tính cơ khí analog. Nó cũng có thể tính đúng chuyển động của mặt trăng và mặt trời thông qua cung hoàng đạo (Zodiac), dự đoán được các hiện tượng nhật thực và chu kỳ của mặt trăng. Nhóm nghiên cứu còn cho rằng nó có thể dự đoán được vị trí của các hành tinh khác như sao Thổ…

“Máy Antikythera” dùng lịch Ai Cập với năm 365 ngày và biết tính đến cả năm nhuận trước Tây lịch Julius gần một thế kỷ. Theo BBC máy còn tính được cả thời điểm của 4 cuộc thi đấu thể thao lớn nhất thời cổ Hy Lạp, trong đó có Olympic. Người thiết kế ra nó có thể là nhà thiên văn Hipparchus, vốn từng sống khá lâu ở đảo Rhodes. Theo một số ý kiến, máy được thiết kế theo thuyết nhật tâm do bác học Aristarchus xứ Samos (310-230 trước CN) đề xuất, mặc dù thời đó thì thuyết địa tâm của Aristotle ngự trị. Phát hiện này cho thấy kỹ thuật Ai Cập-Hy Lạp cổ đại tiên tiến hơn nhiều so với chúng ta thường nghĩ. Chưa nền văn minh nào có thể tạo ra một thiết bị phức tạp như thế suốt một nghìn năm sau. GS Michael Edmunds thú nhận đã chịu ấn tượng rất mạnh và ông nói thêm: …“tôi coi máy còn quý giá hơn cả bức tranh Mona Lisa.”

Những kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được đăng trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature xuất bản ngày 30-7-2008 cho biết nguyên lý của “máy Antikythera” có nguồn gốc từ đảo Sicily và có thể liên quan đến nhà bác học Archimedes…

(source: Scientec)

Facebook
Twitter
LinkedIn

ĐĂNG KÝ THAM QUAN

    Ngày tham quan